Gạo chỉ có thể bỏ vào nồi để nấu cơm, nấu cháo chứ ai bỏ vào phích nước bao giờ. Nghe thật lạ lùng nhưng cam đoan, nếu biết cách làm này mang lại lợi ích gì, bạn sẽ bị hấp dẫn.
1. Sử dụng gạo
Bỏ một nắm gạo tẻ chưa vo vào phích nước sau đó rót đầy nước sôi và để yên trong khoảng 12 tiếng.
Sau khoảng thời gian này, bạn đem đổ sạch mọi thứ trong phích ra và tráng lại bằng nước nóng, ruột phích sẽ khiến bạn ngỡ ngàng vì độ sáng bóng.
2. Sử dụng giấm
Cho khoảng nửa lít giấm ăn vào ấm, đun sôi rồi đổ vào phích nước, ngâm chừng 1 tiếng. Nước giấm sẽ đánh tan các kết tủa bám vào thành ruột phích.
Sau khi đổ hết nước giấm ra, hãy rửa lại phích bằng nước sạch. Nếu thấy vẫn còn cặn thì làm thêm 1-2 lần nữa, bạn sẽ được như ý.
Tương tự như phích nước, nếu ấm nước bám cặn, chỉ cần đun sôi giấm và để trên bếp bằng khoảng thời gian trên, ấm sẽ được vệ sinh sạch sẽ.
3. Dùng lá trà xanh
Vo nát một nắm lá trà xanh thả vào phích sau đó đổ đầy nước sôi, ngâm trong vòng 1 ngày. Chỉ cần thực hiện 1 lần, cách làm này đã có thể mang lại kết quả ngoài mong đợi cho bạn rồi. Trừ khi phích quá nhiều cặn thì thao tác thêm một lần nữa cho sạch hẳn nhé.
4. Vỏ khoai tây cũng rất hữu ích trong trường hợp này
Với các loại ấm đun nước làm bằng nhôm, vỏ khoai tây có thể tẩy cặn bẩn hiệu quả. Hãy cho một ít vỏ khoai vào trong ấm cùng với một ít nước, đun sôi chừng 10 phút, lớp cặn sẽ bị đánh bật khỏi thành và đáy dụng cụ này một cách nhanh chóng.
6. Dùng bột nở (baking soda)
Đun lâu, ấm nhôm sẽ bị bám cặn ố vàng. Trong trường hợp này, bạn cũng có thể sử dụng baking soda. Chỉ cần bỏ vào ấm một thìa nhỏ bột nở, cho thêm nước và đun sôi vài phút, cặn sẽ bị đánh bật ra khỏi thành và đáy ấm.
5. Dùng trứng gà làm sạch ấm đun nước
Dùng ấm để luộc trứng gà vài lần, những vết cặn cứng đầu khó rửa sẽ tự động "bốc hơi". Hoặc nếu muốn nhanh, hãy đập vụn vỏ trứng và đổ vào trong ấm cùng với nửa lít nước rồi đun chừng 30 phút. Đổ vỏ trứng ra, lau sạch 2 lần là các cặn bẩn bị bong ra và ấm lại sạch bóng.