Cứ đến cuối năm, câu chuyện biếu bố mẹ tiền tiêu Tết luôn khiến rất nhiều cặp vợ chồng phải đau đầu, thậm chí là nảy sinh mâu thuẫn. Mặc dù từ xưa đến nay, phần lớn mọi người đều cho rằng dù là bên nội hay bên ngoại thì cũng phải công bằng, tuy nhiên, mọi chuyện còn phải nhìn hoàn cảnh. Đơn cử như tình huống đang được cư dân mạng bàn tán xôn xao dưới đây.
"Tết này tôi dự định biếu bố mẹ vợ 20 triệu, bố mẹ ruột 50 triệu. Vợ tôi đã giận tôi 3 ngày, và tình hình có lẽ sẽ còn kéo dài nữa, nhưng lần này tôi không nhân nhượng.
Nhà tôi nghèo, tôi chỉ học hết cấp 3 rồi ra đời bươn chải, làm đủ ngành nghề mưu sinh, hiện tại mở được 4 shop quần áo, giày dép. Thu nhập mỗi tháng dao động từ 70-120 triệu. Vợ tôi làm nhân viên văn phòng, mỗi tháng thu nhập 11 triệu.
Nhiều lần tôi bảo vợ nghỉ việc về phụ tôi quản lý chuỗi cửa hàng nhưng vợ nói công việc đó không sang, vợ thích môi trường công sở, tiếp xúc với tầng lớp trí thức hơn nên tôi cũng chiều.
Hàng tháng tôi đưa vợ 30 triệu để chi tiêu cho gia đình, muốn tiêu gì thì tiêu nấy, không cần hỏi ý kiến. Số còn lại tôi giữ phần thì làm sổ tiết kiệm, phần để xoay vốn làm ăn. Tiền lương của vợ làm ra thì vợ dùng vào mục đích gì tôi không quản. Tôi tự thấy mình đối xử không tệ với vợ.
Vậy mà vừa rồi, vợ hỏi biếu bố mẹ hai bên bao nhiêu, tôi nói ra con số ấy, vợ tôi lập tức giãy nãy lên bảo bố mẹ nào cũng giống nhau, phải chia cho bình đẳng.
Tôi cảm thấy buồn cười. Mỗi ngày tôi quần quật làm việc từ 7-8h sáng đến 10-11h đêm mới nghỉ. Biết mình không phụ vợ việc nhà nên tôi thuê người giúp việc về đỡ đần vợ. Tôi lo cho vợ không thiếu thứ gì. Thậm chí bố mẹ tôi còn không được tôi lo như thế.
Em trai vợ đi học, tôi thuê hẳn cho 1 căn hộ mini ở cho thoải mái, tiền ăn học tôi cũng chu cấp. Sau này ra trường không cần trả lại tiền cho tôi. Bố vợ bị sỏi thận, phải lên viện mổ, tôi bỏ tiền thuê dịch vụ tốt nhất cho ông.
Tôi sống với vợ, với gia đình vợ không tệ ở mặt nào. Thế nhưng vợ lúc nào cũng xem như đó là nghĩa vụ của tôi. Tôi cưới vợ là phải cưới luôn gia đình vợ, phải chăm sóc gia đình vợ.
Vợ tôi cứ nói tôi phải bình đẳng. Vậy bình đẳng với gia đình vợ, thì có công bằng với gia đình tôi không? Cô ấy nói bố mẹ cô ấy vất vả nuôi cô ấy lớn. Vậy bố mẹ tôi nuôi tôi chắc nhàn lắm?
Hơn nữa… Cô ấy đi làm bao nhiêu năm, tiền lương của cô ấy tôi không đụng đến, cô ấy sao không bỏ tiền túi ra cho bố mẹ mình mà cứ nhất định phải là tôi bỏ cả? Cô ấy muốn tôi báo hiếu bố mẹ cô ấy, nhưng cô ấy lại không nỡ bỏ tiền của mình?
Và càng không có ý định bỏ tiền của cô ấy cho bố mẹ tôi dù là vài triệu bạc, lý do là tôi có nhiều tiền rồi, cần gì dòm ngó số tiền còm của cô ấy. Nghĩa là tiền cô ấy làm ra cô ấy giữ cho riêng mình, tiền tôi làm ra, phải phụng sự đều cho cả hai bên?
Ý nghĩa của việc lấy vợ là gì vậy nhỉ? Là rước thêm một cục nợ về, chăm lo cục nợ đến cuối đời. Mình tốt với họ 7 phần, họ còn nghĩ mình nợ họ 3 phần.
Lúc nào cũng đem chuyện bố mẹ em nuôi em khó khăn vất vả, em chưa kịp báo hiếu đã gả cho anh rồi… Nhưng mà… tôi có phải đem cô ấy về đánh đập hành hạ gì đâu. Tôi nuôi cô ấy từ một cô gái nhà quê thành một cô gái trên người đắp toàn đồ hiệu, mà sao cứ có cảm giác tôi nợ cả gia đình cô ấy nhiều lắm. Kiểu như may phước ba đời nhà tôi mới cưới được cô ấy…
Nghe nó lạ lắm.
Nghĩ chứ với số lương 11 triệu của vợ, nếu cô ấy độc thân thì hiện tại có lẽ vẫn tiếp tục sống trong một căn nhà trọ ọp ẹp. Mỗi ngày đều phải tính toán tiền nhà tiền điện, tiền nước, mỗi tháng dư không quá 4 triệu. Làm gì có chuyện lên xe xuống ngựa, nước hoa thơm phức như bây giờ. Sao cô ấy không ghi nhận việc cô ấy có cuộc sống sung túc như bây giờ là nhờ có tôi nhỉ? Tôi có nợ nần gì nhà cô ấy đâu? Việc biếu tiền mừng Tết bao nhiêu là quyền của tôi mà?
Người ta nói của chồng công vợ… nhưng gia đình tôi là của chồng công chồng, vợ tôi chỉ tiêu tiền chứ nào có biết giữ tiền.
Năm nay kinh tế không khá như mọi năm, nhưng tôi thấy công trình phụ nhà bố mẹ tôi xuống cấp rồi, muốn cho ông bà một khoản để xây sửa nâng cấp nó lên, thế là quyết định cho ông bà 50 triệu.
Nghĩ ông bà đẻ tôi ra, nuôi lớn tôi, có miếng ăn miếng mặc gì cũng nhường tôi đầu tiên. Trước khi báo hiếu cho người khác, tôi nhất quyết phải báo hiếu bố mẹ mình đã.
Bây giờ bọn tôi chưa có con, tôi ly hôn để cưới cô vợ hiểu chuyện khác còn kịp không?
Ai chửi tôi tôi chịu. Chứ tôi là tôi cứ lo cho bố mẹ mình trước đã."
Câu chuyện được chính chủ chia sẻ lại trong một diễn đàn đông thành viên và nhanh chóng nhận về hơn 10 nghìn lượt like và bình luận. Không quá khó hiểu khi phần lớn bình luận đều đứng ra bênh vực anh chồng, cho rằng chị vợ này đã ích kỷ, không bỏ công sức lại còn đòi hỏi:
- Ở đời nhiều đứa sướng quá hóa...không biết điều. Cùng là phụ nữ nhưng em cũng chẳng bênh nổi vợ anh.
- Nam nữ bình đẳng nhưng nó cũng tùy từng hoàn cảnh. Mình thấy anh này nói cũng đúng đấy. Mở miệng ra bì tị sao không lấy tiền riêng ra biếu bố mẹ. Bố mẹ là bố mẹ chung cơ mà?
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến có góc nhìn nhận khác, cho rằng anh chồng chưa khôn khéo nên mới gây ra mâu thuẫn:
- Sao anh không biếu đều bố mẹ 2 bên mỗi nhà 20 triệu tiêu Tết, sau đó đưa riêng 1 khoản 50 triệu cho bố mẹ anh sửa nhà. Khoản nào ra khoản đó, vợ anh chắc cũng chẳng dám ý kiến gì được.
- Mình nghĩ đã là biếu Tết thì luôn phải bằng nhau, còn lại bạn đã lo cho gia đình vợ được thì bạn cứ mạnh dạn tự sửa công trình phụ cho bố mẹ bạn không nên gộp vào tiền biếu Tết. Bạn làm ăn được mà riêng khoản này lại không biết tính toán khôn khéo, chắc gì bạn lấy vợ khác đã tốt hơn. Kinh tế đầy đủ mà có mỗi việc đơn giản vậy cũng đòi bỏ, không biết sau này có con, cuộc sống vất vả chắc không sống với nhau được mấy ngày. Tỉnh táo lên đi!
- Ông cứ thử phá sản không còn đồng nào trong tay xem vợ ông ra sao? Nếu vẫn đồng cam cộng khổ được với nhau thì ông cũng nhìn thoáng ra và cư xử khéo hơn là được. Còn thì tôi thấy cái giọng kể của ông cũng có vẻ ban ơn lắm, cái gì nó cũng có 2 mặt.
Dung (Nguoiduatin.vn)