Mạng xã hội đang xôn xao về một trường hợp một cháu nhỏ bị sốc điện khi ngậm sạc pin đang sạc. Thực tế sai lầm trong cách dùng sạc điện thoại có thể hại chết con nếu bạn không biết.
Người đàn ông này dù rất đau thương nhưng vẫn chụp ảnh để cảnh báo mọi người trên thế giới rằng: "Con gái nhỏ của anh ta đã thiệt mạng vì sốc điện khi đưa đầu dây sạc pin ĐTDĐ vào miệng. Làm ơn chia sẻ thông tin này tới tất cả"… Hãy thay đổi thói quen đó, rồi nhắc nhở và cảnh báo những đứa trẻ để thông điệp từ người cha này có ý nghĩa hơn.
Câu chuyện trên khiến những người có con nhỏ hoang mang, đồng thời bày tỏ sự cảm thương cô bé xấu số. Rất nhiều người đã chia sẻ lại thông tin này để cảnh báo với bạn bè và người thân của mình.
Nội dung câu chuyện và bức ảnh đã cảnh tỉnh nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt gia đình có con nhỏ có thói quen vẫn để sạc cố định trong ổ điện nên rút sạc ra khi đã sạc điện thoại xong.
Câu chuyện về đứa trẻ bị sốc điện do ngậm sạc pin đang sạc đang thu hút cộng đồng mạng. Ảnh Facebook
Thực tế đã có nhiều cái chết thương tâm vì sạc điện thoại không đúng cách. Như trường hợp của bé trai 13 tuổi (quê Quảng Ngãi) qua nhà trọ của chú ruột ở đường Đất Mới (quận Bình Tân, TP HCM) chơi. Một lúc sau cậu bé được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh, tay cầm điện thoại của chú đang cắm sạc.
Dù được đưa đi cấp cứu nhưng cậu bé không qua khỏi. Qua khám nghiệm cơ quan chức năng thấy mối nối ở dây điện, ổ cắm bị hở là nguyên nhân khiến bé bị điện giật.
Hay một cô bé 14 tuổi Moskva, Nga sử dụng điện thoại trong phòng tắm cũng tử vong ngày 23/2/2016. Cô bé đã bị điện giật chết sau khi sạc điện thoại bất ngờ rơi xuống nước. Mẹ cô bé sau đó đã phát hiện thi thể con mình trong phòng tắm với chiếc sạc điện thoại cầm trong tay, trong khi chiếc điện thoại nằm lăn lóc ở dưới sàn. Thi thể của con gái mình có dấu hiệu cháy xém do bị giật điện quá nặng.
Trao đổi với PV báo Gia đình & Xã hội về sai lầm khi sử dụng sạc điện thoại, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – Viện vật lý kỹ thuật (ĐH quốc gia Hà Nội) cho rằng, người sử dụng điện thoại di động bị điện giật chủ yếu liên quan đến thiết bị sạc pin.
Bình thường, thiết bị sạc điện thoại được cấu tạo có đầu vào 220V, đầu ra một chiều 5V. Nếu đúng theo tiêu chuẩn, điện áp đầu ra rất thấp 5V không thể gây tổn thương cho người sử dụng như bỏng hay chết người.
Tuy nhiên do một số sai lầm khi sử dụng sạc điện thoại mà vô tình nhiều người gặp họa. Và có những sai lầm trong cách dùng sạc điện thoại có thể giết chết con nếu bạn không biết.
Chẳng hạn như các hãng vẫn đặc biệt lưu ý khách hàng cách sử dụng là không tiếp xúc với điện thoại đang sạc khi tay ướt, không sử dụng ở môi trường có nguy cơ cháy nổ cao, đảm bảo đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách… nhưng nhiều người không tuân thủ.
Không ít người còn sai lầm khi vừa sạc vừa dùng điện thoại vì không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn ảnh hưởng sức khỏe. Thông thường thì đầu vào của sạc được nối thẳng tới điện lưới 220VAC nếu chất lượng của sạc không tốt, linh kiện bộ sạc bị hỏng thì mức điện áp đầu ra của sạc tới điện thoại thay vì 5V sẽ là điện áp nguồn 220V.
Khi đó, ngoài khả năng gây cháy điện thoại do điện áp cao, người dùng có thể bị điện giật do tiếp xúc với điện lưới nếu chạm vào. Đặc biệt là khi tay ướt, dính mồ hôi, chân trần chạm đất. Hơn nữa do tác dụng của sóng cao tần (cỡ 1.8 GHz) phát ra từ điện thoại di động khi thời gian sử dụng kéo dài (vì việc sạc pin thường lâu) sẽ ảnh hưởng tới não người sử dụng.
Bên cạnh đó, nhiều người thường xuyên có thói quen vẫn giữ nguyên củ sạc điện thoại hay máy tính bảng trong ổ điện sau khi đã sạc xong. Điều này tuy giúp người dùng tiện lợi và nhanh chóng ở những lần sạc sau nhưng thói quen này là sai lầm trong cách dùng sạc điện thoại có thể giết chết con nếu bạn không biết.
Nó ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt ở những gia đình có trẻ nhỏ. Thậm chí có bố mẹ còn để trẻ chơi với điện thoại đang sạc hoặc nhờ con trẻ sạc hộ hoặc rút hộ điện thoại.
Trẻ nhỏ nghịch ngợm có thể cho vào miệng để ngậm và sẽ rất nguy hiểm khi dây sạc vẫn còn cắm ở ổ điện. Tuy khó bị điện giật song đầu sạc cũng có dòng điện, việc bé cầm hoặc ngậm vẫn ảnh hưởng sức khỏe của trẻ khi có dòng điện lạ chạy qua. Để đề phòng khả năng xấu có thể xảy ra này, người dùng nên rút nguồn sạc điện sau khi đã sạc xong.
Để tránh các tai nạn đáng tiếc,các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên sử dụng thiết bị chính hãng đã qua kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi dùng các bộ sạc không đạt tiêu chuẩn hoặc không tương thích cho điện thoại của mình nguy cơ bị giật dễ xảy ra.
Theo Phương Thuận (Báo Gia đình & Xã hội)