Vào lúc 10 giờ tối ngày 13/11, cảnh sát nhận được thông báo có một người nằm ngất xỉu trong nhà tắm tại một căn nhà ở Thiệu Đông, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc).
Nhận được thông tin, cảnh sát khu vực nhanh chóng tới hiện trường. Sau khi các nhân viên y tế kiểm tra, xác định nạn nhân là nữ, tên Thần, 13 tuổi đã qua đời. Kết quả giám định pháp ý sơ bộ xác định nguyên nhân tử vong là do ngộ độc khí carbon monoxide và không có dấu hiệu tự tử hay bị sát hại.
Thực tế đây không phải trường hợp đầu tiên có người tử vong vì ngộ độc khí CO. Ngộ độc khí ở rất gần xung quanh chúng ta, "kẻ giết người vô hình" này luôn rình rập và gây ra nhiều vụ việc thương tâm như trường hợp 2 mẹ con bị ngộ độc khí CO và đứa con 12 tuổi đã chết hay chàng trai trẻ 19 tuổi bị ngộ độc bởi khí trong nhà tắm.
Carbon monoxide là một khí không màu, không mùi và không vị. Quá nhiều khí CO trong không khí hít thở rất có thể làm giảm khả năng hấp thụ oxy, dẫn đến tổn thương cơ thể nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.
Có không ít những thứ xung quanh chúng ta có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc khí mà không phải ai cũng để ý tới.
Đốt than trong nhà để sưởi ấm
Nhiều gia đình vì thời tiết lạnh nên đốt than ngay trong nhà để sưởi ấm. Điều này không chỉ sinh ra khí CO2 mà quá trình cháy không hoàn toàn còn sinh ra khí CO. Khí CO có mức độ độc hại cao hơn rất nhiều so với khí CO2.
Nạn nhân khi hít phải khí này, nặng thì tử vong, nhẹ thì để lại di chứng thần kinh, tâm thần.
Điều hòa không khí trong xe
Lượng khí điều hòa làm lạnh mang vào cabin chứa hàm lượng CO cao, khiến oxi giảm, gây mệt mỏi thậm chí tử vong. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, từng ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì ngủ trong xe, kéo kín cửa kính và bật điều hòa. Xung quanh nguyên nhân dẫn đến tử vong, phần lớn là do người trong xe bị ngạt khí, hàm lượng oxi giảm dần.
Bình nước nóng khí ga
Để có thể tiết kiệm chi phí sử dụng điện cho gia đình, nhiều hộ đã lựa chọn bình nước nóng đun bằng gas. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này ngày nay ít người dùng và nó không đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng, nhất là với những gia đình có không gian hẹp, khí gas bị rò rỉ, khiến cho người tắm bị ngạt.
Ngoài ra, khi hoạt động, quá trình cháy gas sẽ hút hết khi oxy và thải ra khí độc, nếu nhà tắm đóng kín cửa và không thông thoáng sẽ khiến nạn nhân dễ bị ngạt
Bếp ga
Nếu gia đình bạn không chú trọng vào việc chọn lựa vị trí đặt bếp gas cũng như việc vệ sinh và bảo dưỡng theo định kì, có thể khiến rò rì khí ga.
Khí ga CO xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp sẽ chiếm chỗ của oxy trong máu, gây chóng mặt, đau đầu, ù tai, khó thở và buồn nôn. Nếu nặng hơn thì sẽ xảy ra hiện tượng toát mồ hôi, tinh thần hoảng loạn, da dẻ tái nhợt, đi không vững, suy giảm thị lực, thậm chí là rơi vào trạng thái hôn mê, chân tay co giật, da tím ngắt.
Để phòng ngừa ngộ độc khí, các gia đình cần ghi nhớ những điều sau:
1. Để phòng thông thoáng
Mở cửa sổ mỗi ngày để thay đổi không khí ít nhất hai lần hoặc cài đặt quạt thông gió. Cài đặt ống khói cho bếp than để sưởi ấm, và giữ cho cấu trúc ống khói chặt chẽ, đảm bảo thông gió tốt.
2. Tắt các vật dụng dễ gây ngộ độc khí
Sau khi sử dụng bếp gas hay bình nước nóng đun bằng ga cần phải khóa lại để tránh tai nạn.
3. Kiểm tra trước khi đi ngủ
Hãy chắc chắn kiểm tra xem bếp có được khóa kín hay bị rò rỉ trước khi đi ngủ hay không. Nếu đốt than trong phòng nên đợi than cháy hết hoàn toàn mới đi ngủ.