Một vụ việc hy hữu xảy ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đang gây xôn xao dư luận khi một nhân viên bảo vệ 60 tuổi, họ Trương, tử vong trong lúc quan hệ tình dục với bạn gái ngay tại nơi ông làm việc – đã được tòa án phán quyết là... tai nạn lao động. Điều bất ngờ là sự việc này đã được chính quyền công nhận là một tai nạn lao động, đồng nghĩa với việc gia đình ông sẽ nhận được bồi thường theo quy định.
Theo Southern Metropolis News, ông Trương là nhân viên bảo vệ duy nhất tại một nhà máy ở Bắc Kinh, làm việc liên tục 24/7, không có ngày nghỉ nào trong năm. Vào đầu tháng 10/2014, khi đang nghỉ ngơi tại phòng an ninh của nhà máy, ông gặp bạn gái. Cả hai phát sinh quan hệ tình cảm và trong lúc "ân ái", ông Trương đột ngột qua đời.
Cảnh sát kết luận đây là một cái chết đột ngột, không có dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên, khi con trai ông là Trương Tiểu Thạch đệ đơn yêu cầu được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động từ Cục An sinh xã hội thành phố, đề nghị này đã bị bác bỏ. Lý do được đưa ra là cái chết xảy ra trong lúc ông Trương đang có hoạt động cá nhân, không liên quan đến công việc.
Không chấp nhận quyết định này, năm 2016, Trương Tiểu Thạch đã khởi kiện cả nhà máy và cơ quan an sinh xã hội. Anh kiên quyết bảo vệ quan điểm rằng cái chết của cha mình phải được phân loại là tai nạn lao động. Lập luận của anh dựa trên điều kiện làm việc khắc nghiệt mà cha anh phải chịu đựng. Việc phải trực ca liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi đã tước đi của ông mọi cơ hội rời khỏi nơi làm việc, buộc ông phải gặp gỡ bạn gái ngay tại phòng an ninh.
Cuộc gặp gỡ với bạn gái – diễn ra trong khu vực công tác – là một phần trong quyền nghỉ ngơi hợp pháp và nhu cầu tình cảm bình thường của người lao động.
Người con trai nói rằng nghỉ ngơi là quyền của người lao động. “Là một người đàn ông trưởng thành, cha tôi có nhu cầu về mặt tình cảm là điều bình thường. Có mối quan hệ lãng mạn là một phần của sự nghỉ ngơi đó. Cha tôi không rời khỏi khu vực làm việc của mình. Vì vậy, cái chết đột ngột của ông ấy nên được tuyên bố là một thương tích công nghiệp", anh nói với tòa án.
Lập luận này đã thuyết phục được tòa án. Phán quyết được đưa ra, công nhận cái chết của ông Trương xảy ra trong giờ làm việc và tại nơi làm việc. Dù phía nhà máy và cơ quan an sinh xã hội đã kháng cáo, tòa án cấp cao hơn vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Đến tháng 2/2017, cơ quan an sinh xã hội chính thức ban hành văn bản xác nhận cái chết của ông Trương là tai nạn lao động, dù số tiền bồi thường cụ thể vẫn chưa được công bố.
Luật sư Chen Rui tạiTrùng Khánh, phân tích vụ việc và cho rằng có hai yếu tố then chốt giúp gia đình nạn nhân giành phần thắng. Thứ nhất, ông Trương làm việc không nghỉ suốt cả năm – điều cho thấy ông không có thời gian riêng tư ngoài phạm vi nhà máy. Thứ hai, việc ông Trương hẹn hò với bạn gái chứ không phải người hành nghề mại dâm cho thấy hành vi của ông không vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Dù sự việc xảy ra từ năm 2014 và được giải quyết vào năm 2017, nhưng phải đến gần đây, câu chuyện kỳ lạ này mới bất ngờ thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội, làm dấy lên nhiều tranh luận về ranh giới giữa đời sống cá nhân và trách nhiệm công việc – đặc biệt là trong bối cảnh những người lao động bị bóc lột thời gian làm việc đến mức không còn khoảng trống cho cuộc sống riêng. Phán quyết này được xem là một tiền lệ pháp lý đặc biệt và chắc chắn sẽ tiếp tục là đề tài bàn luận sôi nổi trong thời gian tới.
HL (SHTT)