Những ngày qua, dịch bệnh bùng phát phức tạp tại Sài Gòn đã khiến cho không ít người lao động gặp nhiều khó khăn. Chợ búa, hàng quán phải đóng cửa, không còn khung cảnh ồn ào, nhộn nhịp như người ta vốn thấy.
Giữa nơi hoa lệ ấy, người ta lại càng xót thương hơn cho những mảnh đời bất hạnh như câu chuyện của ông Bùi Quang Vinh (69 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM). Chia sẻ với Thanh niên, ông Vinh cho biết trước đây từng làm bảo vệ. Nhưng từ khi có dịch, ông mất việc. Tuổi cao sức yếu, ông chỉ dám xin làm bảo vệ tại các cửa hàng, quán ăn nhưng sợ bị chê già, không được việc rồi bị đuổi.
"Mắc kẹt" tại Sài Gòn, ông Vinh tìm đủ mọi cách xoay xở để kiếm sống. Vợ ông, bà Phan Thị Tương (51 tuổi) hiện đang cố gắng đi nhặt ve chai mỗi khi rảnh rỗi. Thu nhập của cả hai ông bà chỉ 4,5 triệu/tháng, trong đó đã chi 3 triệu tiền nhà.
Thương vợ, ông tính đi làm xe ôm nhưng dịch bệnh cũng không mấy ai đi, 3 ngày chỉ có mỗi một cuốc, kiếm dc vỏn vẹn 20.000 đồng. Rơi vào cảnh cùng đường, ông gạt lòng tự trọng để đi ăn xin.
69 tuổi, ở cái tuổi đáng nhẽ phải được hưởng sự an nhàn thì ông vẫn lăn lộn ngoài đường kiếm tiền lo cho từng bữa ăn của gia đình. "Có chết cũng chưa từng nghĩ tới việc phải ăn xin", vậy mà nay ông lại đi làm việc này.
Khi những hình ảnh của ông Vinh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, người ta càng xót xa hơn về cái khốn cùng mà những người lao động nghèo đang phải trải qua. Nhiều cư dân mạng bày tỏ tấm lòng muốn giúp đỡ gia đình ông vượt qua những tháng ngày cơ cực. Một số người khác cũng chia sẻ thêm về chính những khó khăn mà họ đang phải "ngậm đắng nuốt cay" trong mùa dịch.
"Có gì xấu hổ đâu chứ ! Vì hoàn cảnh mà đi làm những chuyện xấu ác như lừa đảo, trộm cướp... thì mới đáng xấu hổ. Mỗi người một hoàn cảnh. Cho nên các "anh chị bàn phím" đừng có mà nói này nọ tai sao không xài tiết kiệm, hay nói đủ mọi thứ chuyện này nọ trên đời mà không biết rõ hoàn cảnh của người ta như thế nào".
"Hàng ngàn người lao động đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tôi cũng đi làm bảo vệ cũng thất nghiệp còn phải lo cho con ăn học. Rồi tiền thuê trọ chỉ dám thuê 1 phòng nhỏ đúng chiều ngang 2 mét vuông, chiều dài 2 mét ở Thủ Đức, mỗi tháng 1,5 triệu. Dịch này kéo dài tôi cũng không biết có trụ được để chờ ngày được đi làm bảo vệ lại hay không".
"Cuộc sống người dân ở đô thị không có việc, không có nhà sẽ ra sao nếu dịch còn phức tạp như thế này đây? Thật khó có thể hình dung. Thôi đành tin vào lẽ tự nhiên: 'Trời sinh voi ắt sinh cỏ'; 'Nước chảy bèo trôi'..."
Tuy nhiên, cũng có nhiều cư dân mạng nghi ngờ độ thực hư của câu chuyện. Một số người cho rằng, ông còn khỏe mạnh, minh mẫn có thể đi bán vé số, nhặt ve chai cùng vợ thay vì chờ sự "thương hại" từ người khác. Số khác góp ý thêm rằng, ông Vinh và vợ nên tiết kiệm chi tiêu hơn. Ví dụ giảm chi phí nhà ở, điện nước cũng là một cách bởi thực tế còn rất nhiều mảnh đời khó khăn hơn cần giúp đỡ.
"Chú Vinh chỉ là một trong trăm ngàn hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Tui 2 vợ chồng 3.500.000 vẫn tằng tiện sống được. Đừng đổ thừa tại Covid-19, nhiều người còn ngủ vật vạ ngoài vỉa hè nhưng họ có kêu ca gì đâu?".
"Tiền kiếm được có 4,5 triệu mà tiền nhà hết 3 triệu thì sao gánh nổi. Chú nên ở chỗ nào tiết kiệm hơn, hơn nữa điện nước ở trọ thuê cũng rất mắc. Nếu chưa làm ra tiền thì có thể chắt bóp lại các khoản này".
"Nhìn ông tướng còn khỏe. Nếu chỉ lo miếng ăn hai vợ chồng thì có thể đi bán vé số cũng được chứ đâu cần phải ngồi đầu đường ăn xin. Nếu có con nhỏ thì mới cùng đường làm việc đó. Vì con nít nó đâu có nhịn được như mình. Làm người phải có lòng tự trọng." - bình luận từ nick Facebook Dung Nguyen.
Tâm sự xúc động của cháu về bà nội 85 tuổi bị đãng trí: Đời người có 2 lần làm trẻ con!
Theo Thủy Tiên (Pháp Luật và Bạn Đọc)