Những mảnh ghép với nhiều sứt mẻ chắp vá nên một gia đình
"Mấy đời bánh đúc có xương – Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng", từ truyện ngày xưa đến những bộ phim truyền hình hiện đại, mẹ kế lúc nào cũng đóng vai ác và những đứa con chồng luôn đóng vai nạn nhân.
Thuở xưa đến nay, người ta hay đem mối quan hệ mẹ ghẻ-con chồng ra bàn tán như một điều hiển nhiên không thể thay đổi.
Rằng mối quan hệ này luôn ẩn chứa hiềm khích và ghét bỏ. Nhưng liệu rằng, mọi mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng trên đời đều như thế không? Câu chuyện được chính một người mẹ kế kể lại sẽ khiến chúng ta phần nào thay đổi định kiến.
Nhân vật được nhắc tới trong bài này là chị Huỳnh Quyên (Cai Lậy, Tiền Giang) kết hôn từ năm 21 tuổi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đầu gặp nhiều mâu thuẫn, bế tắc và tan vỡ sau 2 năm.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị một thân một mình về quê đi làm công nhân và định bụng sẽ ở vậy đến già vì mất niềm tin vào tình yêu.
"Mình nhận ra rằng hôn nhân không phải chỉ cần tình yêu là đủ, mà còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Mình về quê đi làm công nhân, gia đình mình cũng khó khăn lắm.
Nhiều khi suy nghĩ thôi ở vậy cho xong, lấy chồng chi cho mệt. Mà người tính không bằng trời tính, mình gặp ông xã bây giờ, hai người cùng tuổi, hoàn cảnh cũng giống nhau luôn! Vậy là hai đứa mình góp gạo thổi cơm chung" – Chị Huỳnh Quyên tâm sự.
Gặp được người đàn ông yêu thương mình, đáng tin cậy để gửi gắm cả cuộc đời, chị Huỳnh Quyên quyết định đi bước nữa.
Hiện tại, anh chị đã có với nhau một cô con gái nhỏ, con gái lớn là con riêng của chồng, năm nay đã lên 10 tuổi.
Đều từng tan vỡ trong hôn nhân, nếm trải nhiều nỗi cay đắng, nhưng họ vẫn quyết tâm về với nhau để cùng hàn gắn, chữa lành vết thương lòng và bắt đầu một hành trình mới tốt đẹp hơn.
Thấm thoắt, chị Huỳnh Quyên và chồng đã có 5 năm gắn bó – cũng là ngần ấy năm chị làm "mẹ ghẻ".
Chuyện "chiếc bánh đúc có xương"
Ngày chị về làm bạn đời với anh, họ hàng nói vào nói ra, hàng xóm xì xào. Con riêng của anh bị tiêm nhiễm vào đầu suy nghĩ con sắp bị ra rìa, bị cướp bố, bố sẽ có những đứa con khác...
Cô bé bắt đầu cảm thấy hoang mang: "Ngày mới về chung nhà, con bé ngây ngô hỏi: Mẹ ơi! Bà Năm (hàng xóm) nói: "Mày có mẹ mới rồi hén, mẹ ghẻ đó, coi chừng bị đánh u đầu!"
Vậy mẹ ghẻ có phải mẹ cô Cám trong truyện Tấm Cám không mẹ? Nó hỏi vậy đó, mình vừa buồn vừa tức cười vì con bé ngây thơ quá, mới 4-5 tuổi có biết gì đâu! Ai nói sao thì nghe vậy, mình nói: "Mẹ là mẹ ghẻ, nhưng mẹ không giống như mẹ cô Cám đâu!" Con bé cười rồi chạy đi chơi.
Mình mồ côi mẹ cũng hồi 5 tuổi, cũng có mẹ kế nên mình hiểu được những gì con bé nghĩ. Mình biết thế nào là sự thiếu thốn tình thương, nhưng mình tin rằng với tình thương cho đi sẽ nhận được tình thương." – Chị Huỳnh Quyên cho hay.
Bằng tình thương yêu xuất phát từ sự chân thành, đồng cảm, chị Huỳnh Quyên một tay chăm sóc con riêng của chồng như con đẻ. Chồng chị thường xuyên đi làm xa nhà, lắm khi chỉ có ba mẹ con ở nhà cùng nhau. Những lúc ấy, chị ngoài công việc còn dành thời gian một mình quán xuyến toàn bộ việc nhà cửa, chăm con.
Bận rộn là thế, nhưng bữa cơm nào của ba mẹ con cũng tươm tất, con gái lớn thích món nào chị đều làm cho con.
Hằng năm, cứ đến ngày sinh nhật con gái lớn, dù bận rộn đến mấy chị Quyên cũng dành thời gian chuẩn bị cho con một bữa tiệc ấm cúng, tươm tất để con không bao giờ phải cảm thấy thiệt thòi.
Mỗi ngày con đi học, chị làm một kiểu tóc khác nhau vì "con gái mình có mái tóc dài đẹp lắm, nên ngày nào mình cũng muốn tết tóc cho con".
Chưa bao giờ chị Huỳnh Quyên thiên vị con mình hơn con chồng. Chị luôn biết kiên nhẫn để xây dựng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
"Thoạt nhìn ai cũng nói chồng mình là cha dượng. Nếu mình không nói chắc cũng không ai biết vì bé giống mình kinh khủng, giống hơn cả con ruột luôn!
Chắc do duyên số an bài, mình nghe người ta nói ở chung lâu ngày nó "lây" đó. Mình mong rằng hiện tại và tương lai sau này mình vẫn sẽ mãi luôn yêu thương, che chở và dạy dỗ cho con nên người.
Trẻ con vô tội và cần được yêu thương. Mong rằng ai đang trong hoàn cảnh giống như mình thì hãy mở lòng và dang rộng vòng tay yêu thương con chồng như con mình!"
Với những người mẹ khác trên đời, cứ sinh con ra thì mặc nhiên con sẽ gọi mẹ là mẹ. Nhưng với chị Huỳnh Quyên, để được con gái lớn gọi "mẹ" hằng ngày, đó là cả một hành trình dài. Hành trình chị nỗ lực làm mẹ, và con cố gắng đối xử với mẹ như một đứa con.
Theo Ngân Hà (Nhịp Sống Việt)