Với vai trò là nhân tố gánh trên vai trọng trách đưa đường dẫn lối cho cả một tổ chức, hàng ngày, người làm sếp luôn phải đối mặt với vô vàn những áp lực đến từ nhiều phía. Do đó, nếu buộc phải trả lời cho câu hỏi "làm sếp có dễ dàng hay không?" thì chắc hẳn đáp án nhiều phần sẽ là "không dễ". Tuy nhiên, nói dễ không dễ nhưng nói khó cũng chẳng phải quá khó. Với vai trò đầu tàu, nếu nắm bắt cũng như sở hữu những tố chất dưới đây, người làm sếp có thể dễ dàng đưa doanh nghiệp cập bến thành công:
Nhìn thấy được tương lai
Ở vị trí của người làm sếp, việc có một tầm nhìn bao quát cũng như lường trước được mọi tình huống tuy không phải là điều bắt buộc nhưng là yếu tố vô cùng cần thiết. Tố chất này sẽ giúp người làm lãnh đạo đánh giá được thực tại, nhìn nhận vị trí của bản thân, tổ chức để rồi từ đó đưa ra được định hướng và chiến lược phát triển phù hợp cho công ty cũng như nhân viên dưới quyền.
Và điều này đòi hỏi người làm sếp phải rèn luyện và trau dồi cho mình một nền tảng kỹ năng chuyên nghiệp cũng như óc tư duy nhanh nhạy, sắc bén. Lãnh đạo được ví như cơ trưởng, quyết định vận mệnh cả một đoàn người. Nếu không có tầm nhìn, họ có thể khiến "máy bay" bị lệch hướng.
Quản lý được thay đổi
Trong một kỹ nguyên mà mọi thứ phát triển như vũ bão và thay đổi một cách chóng mặt thì những thứ hôm nay còn là một phạm trù mới mẻ đều có thể trở nên lạc hậu vào ngày mai. Do đó, người làm sếp trong kỷ nguyên 4.0 cần quản lý được sự thay đổi để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Thuật ngữ "thay đổi hay là chết" đang trở thành kim chỉ nam cho nhiều tổ chức, nên người làm lãnh đạo trong thời buổi hiện nay xem thay đổi là tất yếu và không thể chóng lại. Họ dự đoán những thay đổi rồi lập kế hoạch để chủ động giải quyết. Họ thúc đẩy sự tích cực trong văn hóa doanh nghiệp đồng thời khuyến khích việc phát triển một môi trường chuyên nghiệp.
Để làm được điều này, người làm sếp cần phải có khả năng hỗ trợ, hướng dẫn, tạo được ảnh hưởng cũng như thách thức và truyền cảm hứng cho nhân viên cấp dưới. Họ cần những kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ để lái tổ chức vượt qua thay đổi, thậm chí là phản kháng lại sự thay đổi đó.
Tạo ra văn hóa tích cực
Văn hóa công sở là một trong những yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân bên trong tổ chức. Một bài viết trên Harvard Business Review năm 2011 khẳng định, mức độ hạnh phúc ảnh hưởng sâu sắc đến sự sáng tạo, năng suất và tinh thần của người lao động. Do đó, nhiều doanh nghiệp rất chú trọng và tạo mọi điều kiện để có thể phát triển một nền tảng văn hóa lành mạnh.
Với vai trò dẫn dắt tổ chức, người làm sếp là thành tố vô cùng quan trọng, trực tiếp tạo nên nét đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp. Đánh giá một cách rõ nét nỗ lực của nhân viên để công nhận thành tựu và kết quả của người lao động là cách tốt nhất để tạo nên một nên văn hóa lành mạnh và công bằng.
Phối hợp thành công
"Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau" – thời buổi mà kỹ năng làm việc nhóm trở thành tiêu chí được nhiều doanh nghiệp đặt lên hàng đầu khi tiến hành tuyển dụng thì việc phối hợp cùng nhau là không thể tránh khỏi trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Do đó kết nối nhân viên để tạo nên những đội nhóm năng suất là việc là người làm sếp phải có kỹ năng.
Phong cách quản lý như bậc cha mẹ
Mỗi người làm sếp sẽ có một phong cách lãnh đạo khác nhau, phụ thuộc vào quan điểm cá nhân cũng như đặc thù và tình hình tổ chức để có thể mang lại hiệu quả tối đa. Chẳng có phong cách lãnh đạo nào giống nào giống nhau. Tuy nhiên, xét về cơ bản, người làm sếp đừng quá hà khắc mà hãy như những bậc làm cha làm mẹ, nhẹ nhàng nhưng vẫn cứng rắn khi cần thiết.
Bố mẹ nào cũng yêu thương và nhìn nhận những điểm tích cực của con cái. Người làm sếp cũng nên biết cách khuyến khích và truyền cảm hứng cũng như thúc đẩy nhân viên cấp dưới phát huy thế mạnh của bản thân. Bởi lẽ, một tổ chức chỉ phát triển rực rỡ khi sở hữu những cá nhân mẫn cán và tích cực.
Theo Lou (Helino)