5 dấu hiệu trẻ bị bạo hành ở trường mầm non

07/10/2015 09:46:41

Thấy bố mẹ đến đón là con ôm chặt lấy, đòi về nhà ngay, đêm ngủ bé hay giật mình, khóc nấc, bé sợ vào phòng vệ sinh... có thể là biểu hiện con bị đánh ở trường.

Thấy bố mẹ đến đón là con ôm chặt lấy, đòi về nhà ngay, đêm ngủ bé hay giật mình, khóc nấc, bé sợ vào phòng vệ sinh... có thể là biểu hiện con bị đánh ở trường. 

Bài viết dưới đây của anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ một cơ sở mầm non lớn tại Bắc Ninh, người từng nhiều năm tìm hiểu về tâm lý trẻ em và giàu kinh nghiệm quản lý giáo viên mầm non, chia sẻ về những dấu hiệu có thể cảnh báo việc trẻ bị bạo hành ở trường:

Hành động bạo hành trẻ ở trường gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Ngoài việc đánh đập gây tổn thương cơ thể, còn có những hành vi bạo hành như mắng chửi gây tổn thương tinh thần hoặc bỏ mặc (các cô không nói chuyện với trẻ, không cho trẻ tham gia các hoạt động chung nhằm gây cho trẻ cảm giác bị cô lập)... Nếu những hành động này diễn ra trong thời gian dài thì có thể khiến trẻ bị tổn thương, khủng hoảng tâm lý.

Ảnh minh họa: Wikihow.

Dưới đây là những dấu hiệu cơ bản khi trẻ bị bạo hành ở trường:

- Trên cơ thể trẻ xuất hiện những vết thương, vết bầm tím do tác động của ngoại lực.

- Khi về nhà, trẻ thường tỏ ra hốt hoảng lúc đi tắm hay đi vệ sinh vì có thể ở trường các con bị nhốt vào các không gian kín này.

- Trẻ thường tỏ ra hốt hoảng, sợ sệt, ngủ mơ màng không sâu giấc.

- Bé sợ phải đến trường và có các phản ứng như ôm chặt, giãy giụa khi cha mẹ giao con cho cô giáo mỗi khi đến lớp.

- Ngay sau lúc bị bạo hành, khi bố mẹ đến đón, trẻ thường ôm chặt bố mẹ, khóc và đòi về nhà ngay vì cảm thấy bị tủi thân.

Khi thấy trẻ có một hoặc vài biểu hiện trên, bố mẹ cũng không nên vội vàng kết luận là con bị bạo hành ở trường. Cần gần gũi hỏi han con (nếu bé đã biết nói), dành nhiều thời gian hơn để quan sát, chú ý tới bé. Chẳng hạn: một vài vết thương, vết bầm tím hoặc vết xước nhẹ có thể xuất hiện ở trẻ mà không phải do nguyên nhân bạo hành. Trẻ ngã hay đánh nhau, xô đẩy với bạn trong quá trình chơi đùa cũng có thể gây những vết này. Những vết thương này sẽ khỏi sau vài ngày và không để lại hậu quả về mặt tâm lý. Các bé mới đi học thì khi cô đón cũng hay khóc và bám chặt mẹ, không muốn vào lớp...

Tuy nhiên, nếu trẻ có tất cả các biểu hiện trên thì khả năng rất lớn là bé đã bị bạo hành ở trường. Khi đó, cha mẹ cần liên hệ sớm với những người có chức trách ở trường con để có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
 
>> Cha cháu bé bị trói chân tay cung cấp clip cho công an
>> Vụ bé trai bị trói, nhét khăn vào mồm: Đã đóng cửa điểm trông giữ
>> Vụ bé bị đánh, trói, nhét giẻ vào mồm: "Lạnh cả người"
>> Kinh hoàng: Bé 15 tháng bị 3 giáo viên đánh, trói, nhét giẻ vào mồm
 
Theo N.T.Tùng (VnExpress.net)

Nổi bật