Tiến sĩ Rebecca Chicot, tác giả của cuốn “The calm and happy toddle” và là người đồng sáng lập diễn đàn Essential Parent chia sẻ rằng: “Sự phẫn nộ của trẻ xảy ra khi chúng mất kiểm soát trung tâm cảm xúc ở não, dù cho điều này là hoàn toàn bình thường nhưng vẫn cần phải có những “chiến thuật” giúp bé bình tĩnh lại và hiểu về cảm xúc của mình.”
Do đó, tiến sĩ Chicot đã chia sẻ 5 cách nghe có vẻ hơi “khác người” nhưng lại có tác dụng giúp con bạn xoa dịu cơn tức giận chỉ trong chốc lát.
1. Bắt đầu đung đưa
Một cách lấy lại bình tĩnh tức thì là hãy đung đưa người đứa trẻ, ngay cả khi bé đang trong cơn phẫn nộ.
Tiến sĩ Chicot nói: “Ngay khi bắt đầu, bố mẹ nên có những cử chỉ, nhịp điệu tương ứng với nhịp tim và bước chân của mình. Nếu bạn đung đưa con trên tay, bé sẽ nhanh chóng chú ý vào sự di chuyển đó đồng thời cũng vô tình thoát ra khỏi trạng thái cáu kỉnh hiện tại. Sự dao động nhẹ nhàng sẽ giúp bé nhanh chóng quay lại trạng thái bình tĩnh.”
2. Nói chuyện hoàn toàn “không liên quan”
Theo tiến sĩ Chicot, mấu chốt của phương thức này chính là tạo sự xao nhãng. Câu chuyện mà bố mẹ đề cập đến có thể là về một chú sâu chết trên vỉa hè hay một con bồ câu bay ngang qua hay bất kỳ sự việc nào khác.
Tiến sĩ cho biết: “Đôi lúc đứa trẻ cần nhanh chóng thoát ra khỏi thứ cảm xúc đang lấn át lý trí của mình nên việc chuyển hướng chú ý của bé đến một câu chuyện kỳ dị hay thú vị khác sẽ có những hiệu quả ngay lập tức. Chẳng hạn bố mẹ nói: “Hãy nhìn chú mèo đang chuẩn bị nhảy lên mái nhà kìa!”.
Bố mẹ nên biết những điều gì có thể hấp dẫn và làm con mình phấn khởi, rồi bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên với hiệu quả thần kỳ của phương pháp này.
3. Học thở đúng cách
Rất khó để trẻ lấy lại bình tĩnh khi đang trong cơn nóng giận nhưng bằng việc hít thở sâu và nói chuyện thật bình tĩnh, bạn hoàn toàn có thể xoa dịu cơn giận của trẻ.
Tiến sĩ Chicot phân tích: “Giọng nói và âm điệu của bố mẹ không được quá lớn. Theo bản năng, đứa trẻ sẽ nhận biết cảm xúc của bố mẹ thông qua cách nói mà chúng nghe được. Do đó, nếu bạn nhanh chóng rơi vào hoảng loạn hay nóng giận trong khi thấy trẻ nổi cáu, bạn cần phải học cách điều chỉnh lại hơi thở của mình. Hãy hít thở thật sâu và dùng giọng điệu bình tĩnh, trấn an để tiếp tục đối diện với bé."
Phương thức này như mang đến một phép màu, đứa trẻ tự nhiên sẽ thở chậm lại, hạ giọng xuống và bắt đầu lắng nghe, phản ứng lại theo cách tích cực hơn.
4. Lắng nghe cảm xúc của con
Trẻ nhỏ có thể cáu giận vì bất cứ chuyện gì, từ việc bé không thích món quà vặt này cho đến việc bé không muốn đi theo hướng mà mình cần phải đi.
Tiến sĩ Chicot nói rằng: “Cảm xúc của chúng ta là thật và cảm xúc của trẻ em cũng vậy, không thể nói rằng chúng quá quái dị hay bất thường khi mà chúng ta chỉ đứng một bên nhìn trẻ, thậm chí kể cả khi trẻ nổi giận chỉ vì những thứ quá nhỏ nhặt. Vì thế, thấu hiểu cảm xúc của trẻ là điều vô cùng quan trọng.”
Ví dụ như khi con bạn cáu kỉnh chỉ vì vấn đề vô cùng nhỏ là có nhiều bơ trên bánh xốp, bạn hãy bình tĩnh nói với bé: “Mẹ biết con tức giận vì đống bơ trên cái bánh này.” Như vậy trẻ sẽ nghe theo lời bạn nói và bình tĩnh trở lại.
5. Đừng lo lắng về bất cứ ai
Đây là trường hợp mà mỗi người mẹ đều sẽ phải trải qua: con bạn có những phản ứng cáu giận thái quá ở nơi đông người, xung quanh toàn người lạ đang nhìn. Tuy nhiên, thay vì cảm thấy xấu hổ và khiển trách con, hãy âu yếm bé.
Tiến sĩ Chicot chia sẻ: “Bố mẹ hãy tự tin đưa tay ra vỗ về con, ôm con trong vòng tay âu yếm hoặc xoa đầu, vỗ lưng để bé thấy bình tĩnh hơn. Điều này cũng giúp bạn tập trung vào con mình và phớt lờ đi cảm giác bị nhìn dò xét từ người xung quanh.”
Nếu như trẻ biết rằng chúng nhận được 100% sự chú ý từ bố mẹ và bố mẹ đang rất bình tĩnh, bé sẽ cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn.
Theo K.Chi (Trí Thức Trẻ)