"Mở cửa làm kinh doanh thì phải chấp nhận thôi" là câu đáp phổ biến của không chỉ các chủ doanh nghiệp mà còn là của chính nhiều khách hàng, các cư dân mạng cho những trường hợp như vụ homestay ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Nhưng tại sao cũng đám khách đó ra nước ngoài họ lại "tử tế" hơn? Liệu có phải chính chúng ta, ở Việt Nam này, chúng ta cho phép sự vô ý thức? Chúng ta biến những thứ bất thường thành quá đỗi bình thường?
Như hồi hôm, tôi bắt gặp một người mẹ vừa ăn vừa dạy con nói tiếng Anh nhanh như gió nhưng bà mẹ và cậu con trai vẫn vô tư xả rác xuống chân mình dù thùng rác rất gần đấy. Như những cuộc liên hoan xong, các mẹ đều xua đuổi lũ con ra chỗ khác chơi đi để mẹ - cô dọn cho.
Như vào quán chăm con mình mà quát tháo loạn lên bất kể xung quanh còn rất nhiều người khách khác. Thậm chí không quát được con thì quay ra quát nhân viên vì cái tội này tội kia kiểu giận cá chém thớt.
Trong câu chuyện homestay ở Bà Rịa Vũng Tàu thứ tôi thấy đó là quy tắc có cũng như không. Cứ phạt bằng tiền rồi cho phép khách được tuỳ ý chỉ khiến khách trả tiền để phá. Và tất nhiên, phải trả nhiều tiền thì họ được quyền phán xét cho đủ số tiền họ phải trả như một mức phí được nói.
Nếu những quy tắc được tuân thủ cùng quyền từ chối được thực thi thì có lẽ câu chuyện này sẽ khác. Sẽ có nhiều homestay đón kiểu khách tự do phóng túng chứ không phải homestay này của tôi- vậy thôi.
Và nếu chủ doanh nghiệp thực hiện được điều đó, họ sẽ lựa chọn được tập khách hàng riêng cho mình thay vì bằng việc tăng giá hay phạt tiền.
Lựa chọn một phân khúc khách hàng riêng là việc sống còn của doanh nghiệp chứ không phải bằng mọi giá thu hút đủ mọi loại khách. Và chính khách hàng cũng sẽ không khoái vào những nơi mà hầm bà làng ai cũng được. Như đi ăn ở quán cho teen mà đòi có nhã nhạc cung đình vậy.
Với câu chuyện những đứa trẻ thì quả thực như một status tôi từng viết trên Facebook của mình: Trẻ em hôm nay- Thế giới ngày mai nhưng thế giới hôm nay vốn là từ những đứa trẻ hôm qua. Thế giới hôm nay thế nào là từ chính chúng ta- những đứa trẻ hôm qua được giáo dục thế nào.
Thế nên, thay vì lên án những đứa trẻ hôm nay vô ý thức, vô cảm và phá phách thì làm ơn, hãy nhớ lại rằng ta chứ không phải ai khác là tấm gương cho các con của mình học theo.
Chúng ta đừng mong con cái chúng ta nói tiếng Anh nhanh như gió, biết đàn piano hay chơi thể thao rất cừ nếu như chính chúng ta vẫn xả rác bừa bãi, vẫn đối xử với kẻ kém cỏi hơn ta bằng đôi mắt khinh khỉnh hay bon chen, thị phi giành giật ngoài đời.
Đừng mơ có một lứa học trò dũng cảm chiến đấu với cái xấu khi mà thầy cô chúng chạy theo thành tích. Và cũng đừng mơ con mình sẽ có hôn nhân hạnh phúc khi mà chính bố mẹ chúng kẻ ngoại tình, người lừa dối, diễn kịch hôn nhân ấm êm khi mà lòng ai cũng bão tố căm hận nhau.
Chúng ta vẫn hay dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ nhỏ. Như hôm nay, khi tôi viết Tin Tốt Lành, tôi có đưa chuyện đại biểu Quốc Hội đề xuất phạt nặng những kẻ kinh doanh đồ độc hại trước cổng trường hay chỉ thị 1921 của Bộ Giáo Dục về việc cấm học thêm, dạy thêm, học trước chương trình trước ngày 1/8.
Đó đều là những TIN TỐT LÀNH nhưng nó có thực sự đem đến ĐIỀU TỐT LÀNH hay không lại còn tuỳ thuộc vào cách chúng ta hành động. Khi mà áp lực sợ con tụt hậu so với các bạn khác khiến nhiều bậc cha mẹ bất chấp chỉ thị để cho con đi học "tiền lớp 1".
Khi mà chính những người bán hàng trước cổng trường không đủ kiến thức để biết đâu là đồ độc hại- đâu là đồ không độc hại. Họ chỉ quan tâm đến việc hôm nay thu được bao nhiêu tiền cho chính con em họ ăn học mà thôi.
Chúng ta cứ chữa những phần ngọn mà quên rằng phần gốc cũng cần phải được chữa trị. Cái kiểu dọn rác vào gầm giường ấy đến bao giờ?
Và như câu chuyện homestay ở Bà Rịa Vũng Tàu, vẫn còn những câu "mở hàng kinh doanh phải chấp nhận thôi" hay việc lên án lũ trẻ khó dạy và những người lớn dạy sai thì rồi nó cũng trôi đi như trăm ngày câu chuyện ầm ĩ khác. Chẳng ai nhận ra lỗi của mình. Như những hạt mưa bé nhỏ vẫn nghĩ mình vô can với các cuộc lũ quét vậy.
Tôi bảo này các cha mẹ và kể cả các bạn trẻ đang cãi nhau chuyện homestay Bà Rịa Vũng Tàu ơi! Xin hãy bắt đầu từ chính mình. Kể cả kinh doanh hay người đi mua dịch vụ, trả tiền cho các dịch vụ. Hãy nhìn câu chuyện này như cách để thay đổi quan điểm của chính mình. Phán xét một ai đó thật dễ, thay đổi bản thân mình mới khó! Vì thế, đừng làm cái dễ nữa!
Theo Hoàng Anh Tú (Trí Thức Trẻ)