Bật nhạc, sử dụng 'mê hương', menu 'không lối thoát' là những chiêu mà các nhà hàng hay dùng để khiến khách tiêu nhiều hơn.
Khi nhìn hình ảnh so sánh dưới đây bạn chắc hẳn sẽ không khỏi giật mình bởi mức độ tiêu thụ đồ ăn chênh lệch giữa bữa ăn có âm nhạc và không có âm nhạc. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, sử dụng âm nhạc êm ái và hợp lý sẽ khiến thực khách ăn nhiều hơn khi nhà hàng không sử dụng. Và các loại nhạc khác nhau cũng có mức độ tiêu thụ đồ ăn khác nhau.
Ví dụ, nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng làm thực khách ăn nhiều hơn 10% mức bình thường. Ngoài ra, thể loại nhạc này giúp người ăn có cảm giác mình "giàu có và sang trọng hơn". Còn khi muốn bán được nhiều rượu vang, nhà hàng thường bật nhạc Pháp.
Chìa khóa "big size"
Khi gọi đồ uống ở quán cà phê, nhiều người phục vụ sẽ hỏi bạn là: "Anh/chị dùng size lớn đúng không ạ?" thay vì hỏi rằng: "Anh/chị dùng size gì ạ?". Nhiều người tặc lưỡi đồng ý cho đến khi nhận ra size lớn "có gì đó không ổn" thì đã quá muộn.
Ngoài ra, một số người trong nghề tiết lộ rằng, cỡ "tiêu chuẩn" (standard) thường không bao giờ là tiêu chuẩn cả, mà thậm chí to hơn gấp đôi. Trong khi cỡ tiêu chuẩn thực sự thì người ta sẽ gọi là "cỡ nhỏ" (small) để đánh lừa cảm giác của khách.
Dùng "mê hương"
Mùi hương cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý và vị giác của người ăn, ngay cả khi chúng ta rất tỉnh táo để điều chỉnh nó. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, mùi vanilla và các loại nước hoa quế làm tăng nhu cầu ăn các món tráng miệng, trong khi mùi thịt xông khói làm khách hàng thèm ăn sáng nhiều hơn. Mùi hoa lavender nhẹ nhàng thường được sử dụng để làm cho khách thư giãn và chi tiêu nhiều hơn.
Thu dọn đĩa bẩn liên tục
Người phục vụ luôn cố gắng dọn đĩa ngay khi bạn ăn xong món đó, càng nhanh càng tốt. Đây không chỉ vì lý do vệ sinh mà còn có tác dụng về mặt tâm lý. Khách hàng sẽ có xu hướng nghĩ rằng mình đã ăn quá nhiều nên sẽ có cảm giác no và muốn dừng lại. Thêm vào đó, ngồi giữa đống bát đĩa đã dùng xong, bạn sẽ có cảm giác khó chịu và muốn nhanh chóng rời đi. Bởi vậy, bát đĩa luôn được thay mới để khách có cảm giác mình chẳng còn gì để ăn và gọi tiếp.
Câu thần chú' mang tên đầu bếp
Danh tiếng của một đầu bếp đóng vai trò rất quan trọng với trải nghiệm của khách hàng. Bất kỳ món ăn nào cũng sẽ trở nên đặc sắc hơn nếu được phục vụ bởi chính đầu bếp món ăn đó. Khách hàng sẽ cảm thấy món ăn đó cầu kỳ chỉn chu và chế biến cầu kỳ hơn là được phục vụ bởi bồi bàn thông thường. Bắt được tâm lý này nên nhiều nhà hàng cho bồi bàn ăn mặc như đầu bếp để bưng đồ cho khách.
Dựng lên một vài 'giai thoại'
Mục đích của các "giai thoại" này là khiến cho nhà hàng nổi bật hơn so với các nơi khác. Dù thực tế các món ăn đó chẳng khác thông thường nhưng được gắn những cái tên mỹ miều như món ăn mang tên nhà hàng, mang tên đầu bếp sẽ khiến nó trở nên "cao giá" hơn hẳn.
Hoặc cao tay hơn, không chỉ dừng ở cái tên đặc biệt, người ta có thể đề cập tới một vài đặc điểm về bí quyết nấu ăn. Một ví dụ đơn giản như một quán cà phê quảng cáo rằng mình có đầu bếp làm bánh ngọt sở hữu bí kíp gia truyền của Pháp hay của gia đình trong khi các quán khác đơn giản chỉ là bán bánh ngon. Rất nhiều thực khách đã bị hấp dẫn bởi quảng cáo nói trên.
Menu trên một tờ đơn
Menu đóng quyển dày dường như không còn được ưa chuộng trong xu thế ẩm thực hiện đại, bởi người ta cho rằng khi lật giở các trang, thực khách sẽ cảm thấy bối rối và bị "loạn". Aaron Allen, một chuyên gia ngành nhà hàng, nhận định, thực đơn phức tạp có thể gây ra tác dụng ngược lại dụng ý ban đầu là làm khách hàng hài lòng, nó có thể khiến họ cảm giác hoa mắt và nghi ngờ liệu lựa chọn của mình có đúng hay không.
Người ta thường có xu hướng nghĩ rằng một nhà hàng không thể nấu tốt tất cả các món ăn ở một quyển thực đơn dày. Đó là lý do vì sao một cuốn menu tốt nhất là nên giản tiện, trình bày bắt mắt trên một hoặc một vài tờ đơn.
Menu 'không lối thoát'
Một menu tốt là một menu phân khúc chi tiết các loại khách hàng, để dù bạn có là người ăn kiêng, ăn chay, kiêng ngọt, kiêng dầu mỡ hay có chế độ ăn khắt khe tới đâu thì bạn vẫn có thể tìm được cho mình món đồ phù hợp với mình.
10% "co giãn"
Hầu hết khách hàng sẽ không phiền nếu phải trả thêm 7-10% so với kế hoạch. Đó là lý do tại sao nước sốt và các sản phẩm bổ sung khác trong khẩu phần đồ ăn nhanh đều không cao hơn mức 10% để thực khách không cảm giác ngần ngại, "chùn tay" khi chi tiêu.
Thái độ phục vụ
Tất cả các quản lý nhà hàng đều biết rằng, thái độ phục vụ đóng vai trò quan trọng thế nào đối với trải nghiệm của khách hàng, nhất là với các nhà hàng sang trọng tính phí phục vụ. Ngoài những nguyên tắc cơ bản, việc bắt đầu trò chuyện với khách hàng bằng các câu hỏi thăm về sức khỏe và thời tiết hôm nay, trước khi đưa menu, cũng là thủ thuật của nhiều nhà hàng nổi tiếng thế giới. Thậm chí, cảm giác hài lòng khi được phục vụ có thể thay đổi đánh giá chất lượng về đồ ăn.
Giá tiền lẻ
Các món ăn trong menu thường có giá lẻ theo các số 7-8-9 để bạn có cảm giác rằng nó không hề đắt. Ngoài ra, khi tính tiền, khoản tiền thừa này cũng không mấy ai muốn nhận lại. Một vài hóa đơn thì không đáng kể nhưng với một nhà hàng có số lượng hóa đơn khổng lồ mỗi ngày thì khoản tiền lẻ này cũng không hề nhỏ.
Theo N.Chi (Ngoisao.net)