Hãy cùng xem các dấu hiệu thể hiện bé có chỉ số thông minh (IQ) cao:
1. Thích đảo mắt
Một người bình thường thu được hơn 95% tổng lượng thông tin khác nhau thông qua mắt.
Do đó, chuyển động thị giác của bé có thể phản ánh mức độ thông minh. Bé có chỉ số thông minh cao sẽ thường đảo mắt, bé có chỉ số thông minh thấp có thể phản ứng bằng mắt chậm hơn.
Vì vậy, việc bảo vệ thị lực của bé và cho bé quan sát nhiều hơn để cải thiện thị lực có thể thúc đẩy sự phát triển trí tuệ.
2. Thích xé giấy, vẽ nghệch ngoạc
Không cha mẹ nào thích con xé giấy vụn ra nhà. Tuy nhiên, trẻ xé giấy là việc chúng muốn dùng khả năng của mình để thay đổi hình dạng đồ vật. Điều này sẽ giúp trẻ cử động tốt đôi tay. Ngoài ra, nó còn có thể rèn luyện sự phối hợp giữa mắt, tay và não của bé.
Còn việc viết, vẽ nguệch ngoạc thì đó là biểu hiện của não bộ bé đang hoạt động. Bé có trí tưởng tượng nhưng vẫn chưa biết vẽ nên thường vẽ những đường nét lộn xộn. Bố mẹ nên khuyến khích và dành thời gian hướng dẫn để bé phát triển não bộ tốt hơn.
3. Nghịch ngợm hay làm hỏng mọi thứ
Có những đứa trẻ rất thích tháo tung đồ đạc ra bởi chúng thực sự tò mò về những thứ chúng chưa biết đến.
Những đứa trẻ này, đồ chơi bố mẹ mua cho sẽ chẳng được mấy mà đã hỏng. Đồ đạc trong nhà cũng vì chúng mà "ra đi" không ít khiến bố mẹ phát cáu, luôn mắng con là nghịch ngợm, không biết giữ gìn đồ chơi.... Tuy nhiên, nghịch ngợm chính là quá trình trẻ khám phá những điều mới mẻ, nâng cao khả năng nhận thức và nạp thêm kiến thức thực tiễn. Nó cho thấy trẻ rất thông minh.
Khi trẻ nghịch ngợm như vậy, bố mẹ có thể hướng dẫn con cách tháo lắp để vẫn khám phá được đồ vật nhưng không làm hỏng chúng.
4. Thích ở một mình
Một số trẻ nhỏ không thích chơi với đám đông, chúng lại thích chơi một mình, có thể ngồi hàng giờ trong không gian chỉ có một mình. Những đứa trẻ này có khả năng tập trung cao, khả năng tư duy nổi trội hơn.
Cha mẹ đừng vội chê trách hay lo con "tự kỷ", hãy hướng dẫn và tìm các hoạt động phù hợp với sở thích của trẻ.
5. Mút tay
Bình thường, trẻ sơ sinh 3 hoặc 4 tháng tuổi sẽ bắt đầu có thói quen mút tay. Việc mút tay luôn được các ông bố bà mẹ liệt vào hàng ngũ những thói quen xấu vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc trẻ ở độ tuổi này thích mút tay không phải là điều xấu mà là điều tốt. Đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển thể chất của bé. Não bộ của trẻ ở độ tuổi này cần được kích thích nhiều hơn. Trẻ đưa tay vào miệng chính xác cũng là dấu hiệu cho thấy sự phát triển nâng cao của hệ giác quan và hệ vận động, đồng thời là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển. Ngoài ra, việc mút tay cũng là một cách tự an ủi về mặt cảm xúc, có lợi cho sự phát triển nhận thức về bản thân.
Khi bé bị ngăn không cho mút tay, bé sẽ đưa thứ khác vào miệng để mút. Đây thực chất là trẻ đang sử dụng cách riêng của mình để cảm nhận thế giới và nhận biết sự vật. Điều này có thể được coi là hành vi học hỏi nên bố không cần mẹ phải tức giận. Mặc dù vậy, nếu sau 10 tháng mà bé vẫn mút tay thì bố mẹ cần sửa lại.
6. Trẻ nghịch ngợm quấy phá
Lúc trẻ được 8 tháng tuổi, trẻ có thể sử dụng các ngón tay của mình véo những vật nhỏ. Khi đó, bạn sẽ thấy trẻ bắt đầu thích cầm, ngoáy mắt, ngoáy mũi, vỗ mặt, vỗ khắp nơi (vỗ tường, vỗ bàn)...
Đây là lúc bé đang khám phá khả năng của bản thân và môi trường bên ngoài. Bố mẹ sẽ nghĩ bé đánh người nhưng thật ra bé chỉ vì tò mò và cảm nhận sự vật xung quanh qua đôi bàn tay nhỏ. Đây là giai đoạn bé phát triển trí tuệ rất nhanh, bố và mẹ nên chú ý hơn và không cần tức giận mà cần tìm cách chấm dứt hành vi này.
7. Thích cãi nhau
Cãi nhau là một loại đấu tranh ngôn ngữ, để chiến thắng đối thủ, người ta phải sử dụng ngôn ngữ trôi chảy, ngắn gọn và logic nhất. Vì vậy, cãi vã có thể mang đến cho trẻ cơ hội học và rèn luyện ngôn ngữ đặc biệt, phát triển và hoàn thiện cơ quan phát âm, tích lũy yếu tố ngôn ngữ phong phú, cải thiện hình thức ngôn ngữ, nâng cao kỹ năng diễn đạt trong khi cãi vã. Vì vậy, hầu hết trẻ thích cãi vã đều có chỉ số IQ cao hơn.
8. Thích nói chuyện một mình
Một nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) chỉ ra ngôn ngữ là hệ thống giao tiếp, đồng thời là phương tiện giúp nâng cao nhận thức và tư duy. Khi trẻ nói chuyện một mình, người lớn sẽ cho rằng các bé có hành động kỳ quặc. Thực tế, trẻ đang giao tiếp với chính suy nghĩ của chúng. Điều này cho thấy khả năng diễn đạt của trẻ cao và có tư duy não bộ linh hoạt.
9. Nhạy cảm với môi trường mới hoặc sợ người lạ
Nhiều trẻ rất nhạy cảm với người lạ, thậm chí còn quấy khóc khi đến một môi trường mới và điều này khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu khi đưa trẻ đi du lịch hoặc về quê... Nhưng theo các chuyên gia, đấy cũng là biểu hiện của những đứa trẻ có trí thông minh vượt trội.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, những phản ứng như trên của chúng cũng chính là biểu hiện của một đứa trẻ có chỉ số IQ cao và thông minh hơn người, bởi dù còn nhỏ nhưng chúng đã biết cảnh giác với mọi thứ xung quanh mình.
10. Thích ném đồ
Một số trẻ 2-3 tuổi rất thích ném đồ đạc. Người lớn nhặt lên, trẻ lại ném xuống. Hành vi lặp đi lặp lại này khiến nhiều bố mẹ tức giận, thậm chí cho rằng trẻ đang cố tình chống lại mình.
Tuy nhiên, hành vi ném đồ là do trẻ đang cố gắng nhận biết thế giới bằng đôi tay của mình. Lúc mới sinh, trẻ thường dùng miệng để nhận biết kích thước, kết cấu và hình dạng của đồ vật. Khi cơ thể dần phát triển, trẻ bắt đầu nhận thức thế giới bằng tay nên thích ném đồ vật chứ không phải chống đối bố mẹ.
Hành động ném đồ của trẻ dưới 3 tuổi không chỉ góp phần phát triển sức mạnh cánh tay, phối hợp tay mắt mà còn thúc đẩy sự phát triển về nhận thức, tư duy, khả năng tập trung và quan sát của trẻ. Lúc này cha mẹ không nên ngăn cản trẻ ném đồ, tuy nhiên hãy chỉ rõ những vật mà trẻ có thể ném. Bố mẹ có thể để trẻ sử dụng hành vi ném đồ vật như một hoạt động vui chơi ở lứa tuổi này. Tập trung vào việc cho bé ném thứ gì và ném ở đâu sẽ hợp lý hơn là cấm đoán.
Phát hiện trẻ có IQ cao, bố mẹ làm sao để giúp bé phát huy khả năng?
Chỉ số IQ cao có thể chỉ là nhất thời vì thế phụ huynh không nên kỳ vọng quá nhiều. Có thể trẻ chỉ có khả năng nổi bật ở một lĩnh vực chứ chưa chắc toàn diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Đừng thấy trẻ có chỉ số thông minh cao mà nhồi nhét, ép học hành, rèn luyện quá nhiều. Tốt nhất nên để trẻ tự lựa chọn và khám phá mọi thứ theo sở thích của chúng, hỗ trợ khi phát hiện ra sở thích đặc biệt. Nếu chỉ biết ép buộc, trẻ dễ nảy sinh tâm lý phản kháng.
Lời khuyên chuyên gia
Nếu bạn muốn cho trẻ đi học mẫu giáo, bạn nên chọn cơ sở dạy học phù hợp với năng khiếu của trẻ. Ở những trường mẫu giáo đó, trẻ em được khuyến khích học theo sở thích của mình và tự do lựa chọn đồ chơi được thiết kế đặc biệt cho chúng. Khuyến khích trẻ hòa nhập với trẻ cùng lứa tuổi và chơi với mọi người quan trọng hơn việc cố gắng trau dồi khả năng vượt trội của trẻ.
Hãy để con bạn tự do phát triển. Đừng lo lắng nếu trẻ vẫn không đọc, viết hoặc làm bất kỳ việc nào trong thời gian biểu mà bạn đặt ra cho trẻ ngay cả khi trẻ được ba tuổi. Nhiều tình yêu thương và một môi trường thoải mái là quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ em.
Theo Ngọc Nhi (Trí Thức Trẻ)