10 quy tắc tiết kiệm tiền để sống sót qua mùa dịch, làm được 1 nửa cũng nhanh giàu

10/08/2021 17:17:13

Tiết kiệm là việc chúng ta nên làm mỗi ngày, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế khó khăn, dịch bệnh lan tràn.

Người ta vẫn có câu rằng, học cách kiếm tiền khó một thì học cách tiêu tiền khó đến mười. Nhiều người làm ra rất nhiều tiền nhưng cuối cùng vẫn hết, chẳng để ra được xu nào. Nhưng cũng có người, tuy lương thấp nhưng vẫn có tiền tích lũy.

Thời gian này, dịch bệnh khiến thu nhập của mọi người ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không khéo thu chi sẽ dẫn tới tình cảnh túng quẫn. Vậy làm cách nào để tiết kiệm được trong thời điểm này?

10 quy tắc tiết kiệm tiền để sống sót qua mùa dịch, làm được 1 nửa cũng nhanh giàu

Dưới đây là 10 quy tắc tiết kiệm ai cũng nên nắm chắc

1. Muốn tiết kiệm tiền, tiết kiệm càng sớm càng tốt

Lúc bạn kiếm được 1 triệu không đủ dùng thì kiếm thêm 2 triệu vẫn sẽ không đủ dùng. Vậy nên thay vì đợi đến lúc kiếm được nhiều tiền mới tiết kiệm chi bằng tiết kiệm ngay từ bây giờ. Chỉ cần trích một phần nhỏ trong thu nhập của bạn sao cho thích hợp với số bạn kiếm được để sang một bên, sau đó tăng dần mục tiêu.

2. Lúc kiếm được ít thì tiết kiệm ít, lúc kiếm được nhiều thì tiết kiệm nhiều

Mỗi tháng, hãy bỏ ra ít nhất 10% thu nhập để làm quỹ tiết kiệm dùng khi cần thiết và coi như bạn chưa hề sở hữu phần tiền này. 10 năm trôi qua, bạn sẽ nhận ra mình đã có một số tiền lớn, khi ấy bạn có thể mua nhà, mua xe hoặc đầu tư tùy ý thích.

3. Những người có thể tiết kiệm được tiền đều là những người tài năng

Bởi lẽ chỉ những người khôn ngoan, có tầm nhìn xa trông rộng mới có thể bỏ qua cái lợi trước mắt, biết kiên trì, nhẫn nại vì những mục tiêu xa hơn. Hãy đặt mình vào trường hợp đó và tự trả lời câu hỏi rốt cuộc bạn muốn thoải mái nhất thời hay muốn giành chiến thắng chung cuộc? Đương nhiên, mỗi người lại có một lựa chọn riêng nhưng nên nhớ, bạn không chỉ sống cho hiện tại mà còn phải lo nghĩ cho tương lai nữa.

4. Nếu chỉ dựa vào kiếm tiền, bạn sẽ không bao giờ giàu được

Bạn kiếm tiền để giàu lên, điều này không sai. Thế nhưng nếu chỉ dựa vào việc bán công bán sức kiếm tiền bạn sẽ rất khó giàu, bên cạnh đó, bạn còn phải học cách tiết kiệm, học cách trân trọng từng đồng tiền mình làm ra.

Xét về mặt bản chất, đỉnh tháp tài chính không nằm ở số lượng mới tăng lên bao nhiêu mà là nằm ở số lượng giữ lại được.

5. Nếu không thực sự cần, cố gắng đừng bao giờ vay mượn

Nếu đủ tinh tế, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều tập đoàn, công ty lớn hay chính các ngân hàng hiện tại đều ra những chính sách cho bạn vay tiền. Nghĩ ngược lại, nếu không có lợi, tại sao họ lại tích cực tham gia lĩnh vực này đến vậy?

Thoạt nhìn, bạn là khách hàng, bạn là người được lợi nhất qua những chính sách vay trả lãi 0 đồng, vay thấu chi, vay tín chấp... Thế nhưng, khi tính kĩ ra, lượng lãi bạn phải trả cho một khoản tiền bất kì đều ở con số khá lớn.

Ví dụ một cách đơn giản, bạn vay 30 triệu trong vòng 12 tháng, lãi suất bạn chịu sẽ lên tới 14.4%. Bạn có biết con số này đại diện cho điều gì không? Nếu như tiền vốn là một năm tiền lương của bạn, vậy số tiền trên tay bạn đi một vòng, đến cuối cùng bạn đã mất tong 2 tháng tiền lương.

10 quy tắc tiết kiệm tiền để sống sót qua mùa dịch, làm được 1 nửa cũng nhanh giàu - 1

6. Những gì không cần thiết phải tiêu thì đừng tiêu, bởi lẽ khoản nhỏ nào nhân với 365 đều sẽ ra một con số lớn

Với thu nhập của nhiều người trẻ hiện tại, bỏ ra 50.000-60.000 đồng uống một cốc cafe, một ly trà sữa là chuyện cực nhỏ bé. Thế nhưng khi bạn là người có quan điểm rõ ràng về tiền bạc, thái độ của bạn sẽ thay đổi, bạn sẽ thấy rất tiếc số tiền mình đã bỏ ra.

Đơn cử như việc uống cafe, một năm nếu tính tổng cộng, bạn đã tiêu phí gần 30 triệu đồng. Nếu như vậy thà rằng bạn mua một cái máy pha cafe, vừa rẻ lại vừa tiện lợi.

Chính bởi thế, trước khi quyết định tiêu tiền, dù là khoản nhỏ, cũng hãy thử nhân nó với 365 ngày, từ món chi tiêu nhỏ cũng sẽ thành khoản chi tiêu cực lớn.

7. Luôn ghi nhớ quy tắc tiết kiệm: Không bao giờ được tiêu vượt quá dự toán

Dù quảng cáo hay ho tới cỡ nào, dù khuyến mãi nghe hấp dẫn đến ra sao, chỉ cần giá cả mua sắm cao hơn dự toán của bạn, hãy kiên quyết nói 2 chữ: Không mua.

Nên nhớ rằng nếu bạn tiêu quá dự toán, hệ lụy sẽ kéo sang tất cả các khoản còn lại. Món đồ bạn mua vẫn chỉ là một gạch đầu dòng trong khi bạn còn vô số gạch đầu dòng khác cần chi trả.

8. Thay vì vui chơi, giải trí thà rằng mua thêm 2 quyển sách, học thêm vài khóa học

Dù sách có chán, dù khóa học có dở, chỉ cần bạn đọc, bạn học được một lời khuyên hay, một câu nói mang tính định hướng, vậy cũng đủ rồi. Mặt khác, việc học tập hay đọc sách dù thế nào cũng sẽ tốt hơn việc ăn uống, đàn đúm thả cửa.

9. Phần lớn mọi người đều không ý thức được việc tổng thu nhập cả đời của mình cũng có "giới hạn trên"

Xét từ góc độ này, vấn đề tiết kiệm tiền của bạn sẽ biến từ "Tháng này tiêu hết thì tháng sau vẫn còn mà" trở thành "Cả đời mình chỉ có XXX triệu, tiêu hết một phần là thiếu đi một phần".

Đổi một góc nhìn khác, bạn sẽ phát hiện ra bản thân thực ra đang ăn chính quỹ tích góp của mình, và cứ thế thì sớm muộn quỹ cũng trống không.

10. Đừng tiêu tiền chỉ để cho vui, hãy tiết kiệm tiền để có được cảm giác đó

Nhìn số dư trong tài khoản càng lúc càng giảm và nhìn số dư càng lúc càng tăng, bạn thấy lúc nào vui hơn? Câu trả lời của bạn sẽ chính là lý do khiến bạn kiên trì tiết kiệm tiền đấy.

Theo Thạch Thảo (Khỏe & Đẹp)

Nổi bật