Vào thập niên 1930 của thế kỷ 20, có 4 người con gái Hà Nội nổi danh khắp xứ Bắc nhờ nhan sắc xinh đẹp, là cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. Họ được dân gian đương thời ưu ái tựu lại gọi bằng cái tên "tứ mỹ Hà thành".
Cô Phượng Hàng Ngang
"Cô Phượng Hàng Ngang" được miêu tả có cặp lông mày như mây khói và đôi mắt mơ màng. Bà thường chít khăn nhiễu tam giang hoặc khăn nhung đen, với mái tóc đuôi gà. Phục sức của "nàng Kiều phố cổ Hà Nội" vô cùng nền nã trong chiếc yếm hoa hiên, áo dài vải phin trắng, quần lĩnh cạp điều và thắt lưng quan lục.
Cô Bính Hàng Đẫy
Ít ai biết, "cô Bính Hàng Đẫy" chính là hình mẫu gốc cho hình ảnh người con gái trong bài thơ Chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bà sở hữu nét đẹp mảnh dẻ, dịu dàng, vóc dáng nhỏ nhắn, thanh thoát. Người đẹp đặc biệt ưa chuộng diện đồ đen để tôn lên ưu điểm làn da trắng sứ, vì vậy cô còn được người dân gọi là "giai nhân áo đen".
Cô Síu Cột Cờ
"Cô Síu Cột Cờ" là ái nữ của nhà văn Lý Ngọc Hưng. Bà có phong cách giản dị, khiêm nhường nhưng vẫn toát lên nét thanh lịch, nữ tính hơn người. Sau năm 1954, người đẹp mất dấu biệt tăm, tư liệu về bà không còn nhiều. Hình ảnh nổi bật nhất còn lưu lại cho thấy bà Síu để tóc dài buông xoã tự nhiên, diện chiếc áo dài hoa, tay cầm nón lá ra dáng thiếu nữ.
Cô Nga Hàng Gai
"Cô Nga Hàng Gai" cũng nổi tiếng là người con gái có vẻ đẹp sắc nước hương trời, khiến cho vạn người phải say mê. Bà sở hữu khuôn mặt vuông chữ điền, đường nét trên mặt sắc sảo, đôi mắt hí duyên dáng cong về đuôi. Dáng bà dong dỏng cao, đậm người, mang nét phúc hậu đúng tiêu chuẩn thẩm mỹ thời bấy giờ.
Một số giai nhân khác cùng thời
Bên cạnh "tứ mỹ Hà thành" nổi danh khắp xứ Bắc, nhiều giai nhân khác của Hà Nội cũng được người đời biết đến và mê mẩn vì nhan sắc.
Bạch Thược
Bà Bạch Thược thời trẻ là một người con gái có vẻ đẹp tự nhiên nhưng cũng rất đài các. Những đường nét trên mặt bà đều mang đậm chất Á Đông, gây ấn tượng nhiều nhất bởi đôi mắt sáng trong và chiếc mũi cao thẳng. Mái tóc uốn của bà bấy giờ được thực hiện rất cầu kỳ và tốn kém, nhưng chính là biểu tượng của nét đẹp Tây phương, thức thời.
Hoàng Thị Minh Hồ
Sinh ra trong một gia đình giàu sang, quyền quý, bà Hoàng Thị Minh Hồ từng vang danh chốn Hà thành bởi vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng. Bà thường để tóc ngôi giữa, chải gọn gàng và búi thấp về phía sau. Đáng chú ý, bà Hồ có đôi lông mày cong vút, dáng mảnh, và từng là nguồn cảm hứng xuất hiện trong tranh vẽ của họa sĩ Văn Len.
Nghiêm Thúy Băng
Vẻ đẹp của bà Nghiêm Thúy Băng được đánh giá là đài các, kiêu sa. Khuôn mặt của bà luôn toát lên một vẻ bình lặng và sáng trong khác thường. Tương truyền, nhan sắc rạng rỡ này may mắn được thừa hưởng từ thân mẫu. Hình ảnh của bà gắn với chiếc áo dài trắng, ngồi trên xe đồi mồi đẳng cấp bậc nhất thời bấy giờ.
Thu Trang
Bà Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, là người đầu tiên đăng quang Hoa hậu tại Việt Nam vào năm 1955. Tuy chỉ cao 1m61 nhưng bà Thu Trang sở hữu gương mặt khả ái, góc cạnh và sắc sảo. Bên cạnh đó, người đẹp cũng sở hữu loạt ưu điểm ngoại hình như làn da trắng mịn, đôi mắt u buồn, hàng mày cong vút, đôi môi đầy đặn gợi cảm và sống mũi thẳng tắp.
Phạm Trinh Thư
Bà Phạm Trinh Thư - nữ sinh trường Đồng Khánh (nay là trường THCS Trưng Vương), từng là biểu tượng sắc đẹp, hoa khôi phố cổ một thời của Hà Nội những năm 1930. Bà khiến người ta phải xao xuyến bởi đường nét sắc sảo, khuôn mặt trái xoan cùng đôi mắt to tròn, sống mũi cao, môi trái tim căng mọng. Ở bà toát lên vẻ tinh anh, trong sáng kiểu tiểu thư đài các thời ấy.
Băng Tâm
Thời thiếu nữ, bà Băng Tâm được mệnh danh là "hoa khôi của vùng". Bức ảnh đám cưới ngày trẻ của bà từng một thời gây sốt cộng đồng mạng. Trong ảnh, cô dâu diện chiếc áo dài nhung sang trọng và quý phái, đầu đội khăn vấn, để lơi vài lọn tóc mai. Tay bà cầm bó hoa, cổ đeo kiềng, chân mang hài, đặc biệt nhan sắc đến nay vẫn khiến giới trẻ ngưỡng mộ.
Theo Chú Cá Trê & Chịm Vành Khen (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)