1. Đắp mặt nạ ngay sau khi rửa mặt
Sữa rửa mặt thường có độ pH cao, khiến da khô hơn, chính vì vậy sau khi rửa mặt bạn nên dùng toner để cân bằng độ pH, đưa da về trạng thái cân bằng. Ngoài ra toner còn dưỡng ẩm nhẹ nhàng giúp da dễ dàng hấp thụ dưỡng chất chuyên sâu từ bước mặt nạ giấy sau đó.
2. Đắp mặt nạ quá lâu
Vì trong mặt nạ giấy có chứa nhiều dưỡng chất nên các chị em thường tận dụng bằng cách đắp thật lâu đến khi mask gần khô mới tháo ra cho "đỡ phí". Vậy nhưng thực tế điều này lại vô cùng tai hại, vì khi mask khô đi cũng là lúc dưỡng chất dần bay hơi, kéo theo cả độ ẩm trên da, điều này sẽ khiến da mất nước và nhanh khô hơn. Đồng thời việc để quá lâu khiến mặt nạ "khô đét" trên da cũng khiến da hình thành nếp nhăn tức thì sẽ bị hằn theo nếp gấp của mặt nạ.
Vậy nên cách tốt nhất là bạn chỉ nên đắp mặt nạ trong khoảng 20 phút, phần dưỡng chất còn thừa có thể tận dụng để bôi cổ, tay và chân để dưỡng da mềm mại.
3. Rửa mặt sau khi đắp mask
Sau khi đắp mặt nạ giấy, nhiều người có thói quen rửa mặt thêm một lần nữa vì dưỡng chất cô đặc thường sẽ tạo cảm giác nhớp dính khó chịu. Vậy nhưng điều này đã vô tình làm giảm đi công dụng của mặt nạ, cuốn trôi dưỡng chất. Nếu mặt nạ quá nhớp dính, bạn có thể massage để dưỡng chất thẩm thấu dần dần, sau đó lau mặt nhẹ nhàng với nước để bớt nhờn dính.
4. Không dưỡng da sau khi đắp mặt nạ
Nhiều người lầm tưởng mặt nạ vốn đã có dưỡng chất chuyên sâu nên sau khi đắp không cần dưỡng ẩm thêm. Nhưng thực tế sau khi đắp bạn vẫn nên bôi thêm một lớp kem dưỡng mỏng để tạo lớp màng tránh cho dưỡng chất bay hơi, như vậy mới giúp mặt nạ phát huy tối đa hiệu quả.
5. Đắp mặt nạ hàng ngày
Dưỡng da thường xuyên là tốt nhưng việc đắp mặt nạ hàng ngày lại không thực sự tốt. Điều này là bởi nhiều loại mặt nạ có chứa hàm lượng dưỡng chất cô đặc lớn, khi đắp hàng ngày sẽ khiến da dễ bị bí tắc dẫn đến nổi mụn, da cũng nhạy cảm hơn. Nếu vẫn thích đắp mặt nạ hàng ngày thì bạn nên chọn những sản phẩm có dưỡng chất vừa phải, không quá nhớp dính, thấm nhanh sau khi đắp.
Theo Zi (ICTVietnam)