Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về sản xuất và phát hành game di động trên thị trường quốc tế

05/08/2022 14:45:36

Cứ 25 trò chơi di động được tải xuống trên toàn cầu sẽ có 1 trò chơi được sản xuất từ Việt Nam, trong quý I/2022, game của Việt Nam nằm trong top 8 về số lượng lượt tải về từ các kho ứng dụng Apple AppStore và Google Play.

Sản xuất và phát hành game thị trường quốc tế nằm trong top đầu

Chia sẻ từ Google tại một sự kiện về game vừa được tổ chức tại TP.HCM cho biết, Việt Nam hiện tại có 430.000 nhà phát triển game. Trung bình 7 trên 10 nhà phát triển game đến từ Việt Nam nhắm đến thị trường quốc tế. Cứ 25 trò chơi được tải xuống trên toàn cầu sẽ có một trò chơi được sản xuất tại Việt Nam và doanh thu từ quảng cáo của các studio sản xuất và phát hành game của Việt Nam nằm trong top đầu thế giới.

Báo cáo từ App Annie được công bố năm 2021, trong top 10 nhà phát hành game có lượt tải nhiều nhất trên các kho ứng dụng Google và App Store tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tới 5 nhà phát hành, thậm chí 2 studio là Amanotes và Onesoft chiếm luôn vị trí thứ 1 và 2.

Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về sản xuất và phát hành game di động trên thị trường quốc tế

Trong top 10 nhà phát hành có lượt tải game trên các kho ứng dụng AppStore và Google Play thuộc khu vực Đông Nam Á năm 2020, do tổ chức tiếp thị và nghiên cứu thị trường App Annie công bố, Việt Nam chiếm tới 1/2 doanh nghiệp - Ảnh: App Annie

Số liệu từ báo cáo chuyên về game mobile của SensorTower cũng cho thấy, doanh thu từ các studio game Việt Nam hiện phát hành trên thị trường toàn cầu lên tới hàng chục triệu USD mỗi năm. Chẳng hạn như top 3 công ty phát hành game hiện tại số liệu doanh thu từ App Store và Google play cho thấy, VNG doanh thu phát hành lên tới 87 triệu USD trong năm 2021, trong đó game PUBG doanh thu lên đến 5 triệu USD, Onesoft là 60 triệu USD với game 1945-Airplane shooting games doanh thu 19 triệu USD và Amanotes là 17 triệu USD với game Magic Tile 3 doanh thu 10 triệu USD. 

Cần biết rằng, báo cáo  này chỉ là doanh thu từ người dùng trả phí từ các kho ứng dụng App Store và Google Play, chưa tính doanh thu về quảng cáo hiển thị. Theo đại diện một nhà sản xuất game trong nước cho biết, nếu tính cả doanh thu về quảng cáo con số có thể gấp 4-5 lần doanh thu ở trên.

Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về sản xuất và phát hành game di động trên thị trường quốc tế
Số liệu từ SensorTower quý I/2022, Việt Nam nằm trong top 8 quốc gia có game được tải về nhiều nhất trên thế giới - Ảnh: SensorTower

Cũng theo SensorTower, trong quý I/2022, số lượng lượt tải game của Việt Nam sản xuất và phát hành nằm trong top 8 thế giới, chiếm tới 24% số lượng lượt tải trên toàn cầu. Còn theo data.ai, trong 6 tháng đầu năm Onessoft đứng top 6 về lượt tải game trên toàn cầu với 600 triệu lượt, Amanotes xếp thứ 22 với 180 triệu lượt, iKame 150 triệu và xGame 96 triệu lượt tải xếp lần lượt thứ 31 và 41 thế giới.

Ở lĩnh vực sản xuất game, một trong studio được đánh giá hàng đầu hiện nay là Topebox, hiện công ty này tự phát triển 80 tựa game và được các đối tác phát hành trên toàn cầu. Đáng chú ý còn hợp tác sản xuất cho các nhà phát hành game top đầu thế giới hiện nay như Tencent, EA Game… doanh thu của công ty trong năm 2021 là 2 triệu USD.

Game hàng đầu của Topebox có thể kể đến là Sky Dancer, từng đứng top 1 về lượt tải ở các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Nhật… và cũng là game đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hiện tại ứng top 1 về lượt tải ở thị trường Trung Quốc.  

Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về sản xuất và phát hành game di động trên thị trường quốc tế
Sky Dancer, game do Việt Nam sản xuất từng đứng số 1 lượt tải tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: Google Play

Đáng chú ý, năm 2016 game Politaire của Topebox sản xuất còn đoạt giải game hay nhất của hệ sinh thái AppStore, được trao bởi Apple, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay, một tựa game được phát triển bởi Việt Nam nhận được vinh dự này. 

Ngoài Onesoft, Amanotes, Topebox ở trên, có thể kể đến nhiều studio khác của Việt Nam đang sản xuất và phát hành toàn cầu (có khoảng hơn 60 studio – PV) như: IEC Global Pty LTD, WEEGOON, TOH Games, ZITGA, Apero Game Studio, Zego Global Publishing… doanh thu mang về từ vài trăm ngàn đến cả trăm triệu USD mỗi năm.

Chỉ mạnh về game Casual và Hyper Casual

Có một điều thực tế, các game mà Việt Nam sản xuất và phát hành nằm trong top đầu thị trường quốc tế hiện nay chủ yếu là game Casual và Hyper Casual, đây là những game có thiết kế đơn giản, dễ chơi, và nội dung game thường ngắn. Chủ yếu là các game dạng bắn máy bay, thủ thành, xếp hình, tiêu diệt Zombies…

Theo ông Thái Thanh Liêm, Founder và cũng là CEO Topebox cho biết, sở dĩ Việt Nam chỉ làm được các game đơn giản ở trên là do thiếu vốn và nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực thiết kế game.

“Người Việt Nam rất sáng tạo, nên các game đơn giản được sản xuất và phát hành có nội dung thu hút rất nhiều người chơi ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để làm được các game chất lượng cao (mid-core và hard-core) lại rất khó, bởi thiếu vốn để đầu tư dài hơi, bên cạnh đó nguồn nhân lực về thiết kế đồ hoạ trong game và thiết kế nội dung game cũng thiếu trầm trọng do không có các nơi đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực này”, ông Liêm chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Đào Quang Tuấn, Giám đốc kinh doanh khối game của Funtap cho biết, rất khó để kiếm được nhân lực thiết kế game ở Việt Nam hiện tại. Bên cạnh đó, để phát triển các game chất lượng cao cũng đòi hỏi phải tốn rất nhiều tiền để đầu tư, nhiều studio cũng thử sản xuất các game dạng này, tuy nhiên có nhiều bên game chưa xong đã hết tiền.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Hiker Games cũng cho rằng, rất khó để làm được game chất lượng cao ở Việt Nam, bên cạnh thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực còn thiếu cả đề tài để làm nội dung game.

“Việt Nam không cổ vũ cho game nên dẫn đến thiếu nguồn nhân lực đầu tư vào sản xuất, bên cạnh đó thiếu tiền, chính vì thế nhiều studio sản xuất được 1 đến 2 game chất lượng là đã đóng cửa. Bên cạnh đó, đề tài game cũng phụ thuộc vào nhiều lĩnh vực xung quanh như điện ảnh, truyện tranh, văn học… nhưng ở trong nước cũng thiếu. Ngoài ra, các đề tài game trong nước cũng rất ‘nhạy cảm’, đặc biệt là dính vào lịch sử khiến các studio không biết nên đưa cái nào vào, cái nào không nên đưa…”, ông Huy nói.

Có một điều đáng chú ý, trong hơn 60 studio game Việt Nam đang sản xuất và phát hành game trên toàn cầu hiện nay chỉ có vài studio là đặt ở Việt Nam, điển hình như Topebox và Hiker Games, còn lại đa số đặt công ty ở nước ngoài và đông đảo nhất là Singapore. 

Theo Lê Mỹ (ICTNews)

Nổi bật