Vị thế của Intel tụt dốc không phanh

01/10/2024 14:57:50

Sau Qualcomm, đến lượt Arm ra giá cho bộ phận sản phẩm chip của Intel, cho thấy vị thế của gã khổng lồ bán dẫn Mỹ đang suy giảm từng ngày.

Gã khổng lồ xanh cho biết, đơn vị kinh doanh của họ không phải để bán. Trang Engadget dẫn nguồn tin nội bộ Intel nói rằng, bộ phận này phụ trách kinh doanh PC, máy chủ, chip mạng lưới và một cơ sở đúc. Tuy nhiên, Arm không hứng thú với bộ phận đúc bán dẫn của Intel.

Mười hai tháng trở lại đây, giá trị và vị thế của Intel đang suy giảm nhanh chóng. Tiếp nối khoản lỗ ròng 1,6 tỷ USD của quý II/2024, công ty đã thông báo cắt giảm 15.000 nhân viên - một phần trong kế hoạch tổng thể tiết kiệm 10 tỷ USD.

Tuần trước, công ty tiết lộ kế hoạch chuyển đổi bộ phận đúc đang gặp khó khăn thành công ty con độc lập. Intel đã mất một nửa giá trị thị trường vào năm ngoái và hiện có giá trị 102,3 tỷ USD.

Vị thế của Intel tụt dốc không phanh
Vị thế của Intel đang tụt dốc không phanh. Ảnh: Engadget

Arm là công ty chuyên bán thiết kế bộ xử lý cho các khách hàng như Qualcomm, Apple và một số nhà sảng xuất chủ yếu trong lĩnh vực di động.

Công ty của Vương quốc Anh hiện không có cơ sở sản xuất chip. Do đó, việc mua lại bộ phận sản phẩm của Intel có thể là tiền đề để họ thay đổi mô hình kinh doanh.

Với việc Intel đang bị “tổn thương” vào lúc này, các đối thủ đã bắt đầu vây quanh. Trước đó, Qualcomm cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tiếp quản công ty.

Bất kỳ vụ sáp nhập nào liên quan đến Arm và Qualcomm đều sẽ là cơn ác mộng về mặt quy định, nhưng thực tế các đề nghị vẫn được đưa ra, cho thấy vị thế tụt dốc của gã khổng lồ bán dẫn một thời nước Mỹ.

Cú sẩy chân của người khổng lồ

Theo nhận định của WSJ, sai lầm về mặt chiến lược cộng hưởng sự bùng nổ chóng vánh của trí tuệ nhân tạo, khiến tập đoàn bán dẫn danh tiếng lâu đời từ "kẻ đi săn" trở thành "con mồi".

Các vấn đề của Intel bắt đầu với những thất bại trong sản xuất trước khi Gelsinger nắm quyền lãnh đạo. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi vị CEO này theo đuổi chiến lược chuyển đổi tốn kém nhưng không lường trước được sự bùng nổ của AI, yếu tố làm thay đổi nhu cầu căn bản sang một loại chip do đối thủ Nvidia sản xuất.

Việc sản xuất chip cực kỳ phức tạp và tốn kém. Năm ngoái, Intel chi tiêu đến 25,8 tỷ USD, tương đương khoảng 48% doanh thu của công ty.

Trong khi đó, tổng chi tiêu vốn của Qualcomm trong năm tài chính gần nhất là 1,5 tỷ USD, chỉ hơn 4% doanh số.

Về phía Intel, họ có một số cách khác để thúc đẩy đầu tư vào công ty, chẳng hạn như Apollo Global Management đã đề nghị rót vốn tới 5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Intel cũng có kế hoạch bán một phần cổ phần tại nhà sản xuất chip Altera cho các nhà đầu tư vốn tư nhân.

Nguồn: Bloomberg, Engadget, WSJ

Theo Thế Vinh (VietNamNet)

Nổi bật