Một trong số nhiều thay đổi mà dịch bệnh Covid mang lại chính là sự phổ biến của mã QR, ô vuông chứa mã vạch nhằng nhịt lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số có thể được in và quét bằng điện thoại thông minh hoặc thiết bị khác.
Mã QR ngày nay tồn tại ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong thanh toán điện tử mà người Việt Nam dùng nhiều nhất cho việc chuyển khoản ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là vì sao thứ hoa văn kỳ dị này lại có thể làm được nhiều điều kỳ diệu như thế?
Giải mã từng thành phần của mã QR
Mã QR vốn là họ hàng gần của mã vạch trên bao bì sản phẩm, thứ mà nhân viên thu ngân quét bằng máy quét hồng ngoại để biết thông tin và giá món hàng bạn mua trong siêu thị.
Mã vạch chỉ lưu trữ thông tin theo một trục chiều ngang trong khi mã QR lưu trữ thông tin theo cả trục dọc và trục ngang, cho phép chúng chứa được nhiều dữ liệu hơn đáng kể. Lượng dữ liệu bổ sung đó là yếu tố làm cho mã QR trở nên linh hoạt.
Cách hoạt động của mã QR rất đơn giản. Hãy hình dung rằng con người đọc được chữ số dễ dàng nhưng máy tính thì không. Mã vạch mã hóa dữ liệu chữ và số dưới dạng một chuỗi các đường màu đen và trắng có độ rộng khác nhau.
Tại các cửa hàng, mã vạch ghi lại bộ số xác định ID của sản phẩm. Quan trọng hơn, nhiều dữ liệu được lưu trữ trong mã vạch là dư thừa, nên ngay cả khi một phần mã vạch bị mất hoặc bị che khuất, thiết bị vẫn có thể đọc được ID sản phẩm.
Mã QR được thiết kế để quét bằng camera. Quét mã QR được tích hợp sẵn trong nhiều ứng dụng camera dành cho Android và iOS. Mã QR thường được sử dụng để lưu trữ các liên kết web; tuy nhiên, chúng có thể lưu trữ dữ liệu tùy ý, chẳng hạn như văn bản hoặc hình ảnh, thông tin số tài khoản ngân hàng.
Khi quét mã QR, trình đọc QR trong camera của điện thoại sẽ giải mã mã và thông tin thu được sẽ kích hoạt một hành động trên điện thoại. Nếu mã QR chứa URL, điện thoại sẽ hiển thị URL đó. Nhấn vào nó và trình duyệt mặc định trên điện thoại sẽ mở trang web.
Mã QR thường có các thành phần như sau: dữ liệu, điểm đánh dấu vị trí, vùng tĩnh lặng và logo tùy chọn.
Dữ liệu trong mã QR là một chuỗi các dấu chấm trong một lưới hình vuông. Mỗi dấu chấm đại diện cho 1 và mỗi chỗ trống là một số 0 trong mã nhị phân và các mẫu mã hóa tập hợp số, chữ cái hoặc cả hai, bao gồm cả URL.
Ở mức nhỏ nhất, lưới này có 21 hàng x 21 cột và lớn nhất là 177 hàng x 177 cột. Trong hầu hết các trường hợp, mã QR sử dụng hình vuông màu đen trên nền trắng, giúp dễ dàng phân biệt các dấu chấm. Tuy nhiên, đây không phải là yêu cầu nghiêm ngặt và mã QR có thể sử dụng bất kỳ màu sắc hoặc hình dạng nào cho các dấu chấm và nền.
Thời đại Internet đã chứng kiến sự lỗi thời của rất nhiều thiết bị công nghệ như máy ảnh, máy nghe nhạc, đồng hồ. Nhưng có một thiết bị vẫn sống khỏe giữa sóng gió.
Điểm đánh dấu vị trí là các ô vuông được đặt ở các góc trên bên trái, trên cùng bên phải và dưới cùng bên trái của mã QR. Những điểm đánh dấu này cho phép camera của điện thoại thông minh hoặc thiết bị khác định hướng mã QR khi quét. Mã QR được bao quanh bởi khoảng trống, vùng tĩnh lặng, giúp máy tính xác định nơi mã QR bắt đầu và kết thúc. Mã QR có thể bao gồm một logo tùy ý ở giữa.
Giống như mã vạch, mã QR được thiết kế với tính năng dự phòng dữ liệu. Ngay cả khi có tới 30% khu vực trên mã QR bị phá hủy hoặc khó đọc thì dữ liệu vẫn có thể được phục hồi.
Trên thực tế, logo không thực sự là một phần của mã QR; chúng chỉ che đậy một số dữ liệu của mã QR.
Mã QR có nguy hiểm không?
Mã QR vốn không nguy hiểm. Chúng chỉ đơn giản là một cách để lưu trữ dữ liệu. Tuy nhiên, cũng giống như việc nhấp vào liên kết trong email có thể nguy hiểm, việc truy cập các đường dẫn đến trang web được lưu trữ trong mã QR có thể gặp rủi ro theo một số cách.
Bạn có thể cảm thấy thích thú khi thấy hình ảnh ngôi nhà mình hiện diện trên Google Maps. Nhưng đừng vội mừng. Mọi chuyện nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng tượng.
Đường dẫn mã QR có thể đưa bạn đến một trang web lừa đảo để lừa lấy thông tin người dùng hoặc mật khẩu cho một trang web khác, hoặc trỏ đến trang web độc hại nhằm thực hiện hành động trái phép. Một trong những cách thức lừa đảo phổ biến là dụ người dùng quét mã QR dẫn đến một trang web giả mạo FaceBook để lừa người dùng điền thông tin đăng nhập, khiến tài khoản bị hack.
Điều quan trọng là khi mở một liên kết bằng mã QR, hãy đảm bảo đường dẫn đó an toàn và đến từ một nguồn đáng tin cậy. Chỉ vì mã QR có logo nổi tiếng nào đó không có nghĩa là bạn nên nhấp vào đường dẫn chứa trong đó.
Theo Mạnh Kiên (Nguoiduatin.vn)