Ngày 27/6, ông Joe Biden và Donald Trump có cuộc tranh luận đầu tiên trên sóng truyền hình trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Kết quả bầu cử chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến châu Á, vì Biden và Trump đưa ra những tầm nhìn khác nhau về vai trò của Mỹ trên thế giới, cũng như cách quản lý thương mại và nền kinh tế Mỹ, chính sách đối với biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ.
Đối với lĩnh vực công nghệ, bao gồm từ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến vấn đề TikTok, Biden và Trump có quan điểm khác nhau về cách thức quản lý, dù có mục tiêu chung là vượt qua Trung Quốc.
Trí tuệ nhân tạo
AI là mối quan tâm pháp lý ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Công nghệ này ngày càng phổ biến và mạnh mẽ sau sự ra mắt của ChatGPT. Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Biden đã ban hành lệnh hành pháp hướng dẫn sử dụng và phát triển AI một cách an toàn. Nhưng chính phủ liên bang đã có rất ít hành động kể từ đó.
Cả Biden và Trump đều chưa có lộ trình cụ thể để quản lý AI và các công ty liên quan. Song, cả hai cùng chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ duy trì lợi thế công nghệ so với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới nổi này.
Hiện Mỹ đang hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ quan trọng trong việc phát triển và triển khai AI, bao gồm các con chip AI tiên tiến nhất. Các mô hình AI nguồn mở cũng đang trong tầm ngắm quản lý của chính phủ.
Tuy nhiên, trước những rủi ro mà AI mang lại, Mỹ - Trung đã đồng ý tiếp tục đối thoại “cởi mở trên thực địa”. Vào tháng trước, các đặc phái viên cấp cao hai bên đã có cuộc họp về AI đầu tiên tại Geneva để trao đổi quan điểm về cách hợp tác quản lý rủi ro.
Xiaomeng Lu, Giám đốc công nghệ địa chất tại tổ chức nghiên cứu Eurasia Group, cho biết cuộc đối thoại này nhiều khả năng sẽ kết thúc dưới thời Trump. “Trump có thể không thấy nhiều giá trị trong việc thiết lập một kênh liên lạc đa cấp, liên chính phủ về các vấn đề như AI. Ông ấy chỉ muốn nói chuyện trực tiếp với ông Tập”.
Chất bán dẫn
Biden đã gây ra làn sóng chấn động đối với các nhà sản xuất chip của Mỹ và toàn cầu thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 52 tỷ USD, cũng như một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu hạn chế bán chip tiên tiến và công cụ sản xuất chip cho Trung Quốc.
Đạo luật CHIPS nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn lấy châu Á làm trung tâm và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất chip Mỹ và châu Á như Intel, TSMC và Samsung đã được cấp hàng tỷ USD theo dự luật để xây dựng các xưởng sản xuất mới ở nước này.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo muốn chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho ngành bán dẫn với một Đạo luật CHIPS thứ hai để Mỹ duy trì khả năng cạnh tranh.
Song, Lu của Eurasia Group cho biết Trump khó có thể ủng hộ đề xuất này vì cựu tổng thống, giống như nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa, có quan điểm bất lợi đối với các chính sách trợ cấp công nghiệp. Thay vào đó, cựu tổng thống có thể sẽ hỗ trợ ngành này bằng cách cắt giảm thuế doanh nghiệp, điều từng được thực hiện trong nhiệm kỳ trước đây.
Cả 2 ứng viên tổng thống đều theo đuổi các lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ, trong đó có bán dẫn, đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, về mặt hiệu quả, cách thức triển khai của chính quyền Biden đang cho thấy những thành công nhất định, khi lôi kéo được các đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan cùng tham gia nỗ lực.
Đầu tư công nghệ ra nước ngoài
Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất quy định nhằm hạn chế nguồn tài chính của Mỹ hỗ trợ Trung Quốc phát triển các công nghệ tiên tiến như AI, chất bán dẫn và công nghệ lượng tử.
Các quy tắc dự thảo đã được ban hành vào cuối tuần trước, tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” trong việc đối phó với những quốc gia đáng lo ngại đang phát triển nhanh chóng những “công nghệ nhạy cảm”.
Trong trường hợp Trump đắc cử, việc rà soát hoạt động đầu tư công nghệ ra nước ngoài gần như sẽ tiếp diễn khi ứng viên này chủ trương sàng lọc đầu tư sang Trung Quốc thông qua CFIUS (Ủy ban Liên bang về Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ).
TikTok
Số phận của ứng dụng video ngắn nổi tiếng TikTok phụ thuộc vào tòa án. Vào tháng 4/2024, chính quyền Biden ký một dự luật yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance thoái vốn trong vòng 9 tháng, nếu không ứng dụng này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn quốc. Vụ kiện của công ty để đảo ngược quy định này đang chờ được xét xử.
Nếu không có bất ngờ nào xảy ra, thời hạn 270 ngày sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 1/2025, trùng với lễ nhậm chức tổng thống tiếp theo. Tổng thống tiếp theo sẽ có quyền gia hạn nỗ lực thoái vốn thêm ba tháng trước khi ký lệnh cấm.
Trong khi đó, quan điểm của Trump có sự thay đổi nhất định. Năm 2020, Nhà Trắng đưa ra hai sắc lệnh hành pháp nhắm vào công ty có nguồn gốc Trung Quốc, một là cấm toàn diện TikTok - đã bị thẩm phán liên bang ngăn chặn và hai là yêu cầu công ty mẹ ByteDance thoái hết vốn ở Mỹ, cùng với việc xoá tất cả dữ liệu người dùng ở quốc gia này.
Nhưng đầu năm nay, Trump cho biết lệnh cấm TikTok sẽ có lợi cho Facebook, mạng mà ông coi là “kẻ thù của nhân dân”. Những lý do có thể dẫn đến sự thay đổi quan điểm bao gồm sự hấp dẫn của nền tảng đối với các cử tri trẻ tuổi và một số tỷ phú ủng hộ ứng dụng là những nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử.
TikTok vẫn là một công cụ tranh cử quan trọng đối với các ứng cử viên. Cả hai đều đã tham gia ứng dụng và tạo dựng được lượng người theo dõi bất chấp lệnh cấm có thể xảy ra.
Theo Thế Vinh (VietNamNet)