"Nói chuyện với người chết"
Tiến sĩ Stephenie Lucas Oney dù đã 75 tuổi nhưng vẫn tìm đến cha mình để xin lời khuyên. Bà tự hỏi ông đã giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc đối với bản thân như thế nào? Và làm sao ông có thể thành công khi mọi khó khăn luôn bủa vây?
Cha của bà là William Lucas, người đàn ông da đen đến từ Harlem (Mỹ), từng làm cảnh sát, đặc vụ FBI và thẩm phán. Nhưng Tiến sĩ Oney không nhận câu trả lời một cách trực tiếp. Cha bà đã mất được hơn một năm.
Thay vào đó, bà lắng nghe câu trả lời bằng giọng nói của cha mình trên điện thoại thông qua HereAfter AI, một ứng dụng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo được phát triển dựa trên hàng giờ đối thoại với người cha trước khi ông qua đời vào tháng 5/2022.
Giọng nói của ông mang lại cho bà niềm an ủi, thậm chí Oney còn làm ra các phiên bản cho 4 đứa con và 8 đứa cháu của mình.
"Tôi muốn bọn trẻ nghe được tất cả những điều đó bằng giọng nói của cha mình", Tiến sĩ Oney, nhà nội tiết học, chia sẻ. "Không phải từ tôi đang diễn giải, mà là nghe từ quan điểm của ông ấy".
Trong thời gian gần đây, xu hướng sử dụng công nghệ AI như một cách để giao tiếp với người đã khuất đã trở nên phổ biến, nhưng hình thức cũng đặt ra một số tranh cãi về đạo đức.
HereAfter AI được giới thiệu vào năm 2019, hai năm sau khi ra mắt StoryFile, công ty sản xuất các video tương tác với người đã khuất, trong đó đối tượng có các phản ứng như người thực khi trả lời câu hỏi.
Người nghe có thể đặt ra các yêu cầu như: "Hãy kể tôi nghe về thời thơ ấu" hay "Thách thức lớn nhất bạn từng gặp là gì"? - với người đã khuất thông qua video.
"Bất cứ khi nào có một dạng công nghệ mới, luôn có sự thôi thúc sử dụng nó để liên lạc với người chết", Mark Sample, giáo sư nghiên cứu kỹ thuật số tại Đại học Davidson, bình luận về xu hướng mới với NY Times.
Ông lưu ý nỗ lực thất bại của Thomas Edison trong việc phát minh ra "điện thoại tâm linh" năm xưa.
Người bạn thân nhất
StoryFile cung cấp một phiên bản "có độ trung thực cao", trong đó người tham gia sẽ được phỏng vấn trong studio hoặc qua webcam để thu thập dữ liệu.
Stephen Smith - người đồng sáng lập - đã nhờ mẹ anh là Marina Smith thử nghiệm trước. Hồ sơ StoryFile của bà đã được phát tại đám tang vào tháng 7 vừa qua cũng như trả lời các câu hỏi của người xem.
Theo StoryFile, khoảng 5.000 người đã lập hồ sơ. Trong số đó có nam diễn viên Ed Asner, người đã được phỏng vấn 8 tuần trước khi qua đời vào năm 2021.
Công ty đã gửi StoryFile của Asner cho người con trai Matt Asner, người đã rất ngạc nhiên khi thấy cha đang nhìn mình và xuất hiện để trả lời các câu hỏi.
"Tôi bị choáng ngợp", Matt Asner nói. "Thật không thể tin được tôi đang tương tác một cách rất tự nhiên với cha mình, tính cách của ông cũng giống thực. Người đàn ông mà tôi rất nhớ, người bạn thân nhất của tôi, đã ở đó".
Anh đã mở tập tin tại lễ tưởng niệm cha mình. Một số người cảm động, nhưng những người khác lại không thoải mái.
"Có những người thấy điều đó thật ghê sợ và cảm thấy kinh hãi. Tôi không có cùng quan điểm đó", Matt nói thêm, "nhưng tôi có thể hiểu tại sao họ lại có suy nghĩ như vậy".
Tranh cãi
Lynne Nieto cũng thấu cảm điều này. Cô và chồng mình, Augie, người sáng lập Life Fitness, công ty sản xuất thiết bị tập thể dục, đã tạo hồ sơ StoryFile trước khi anh qua đời vào tháng 2 do bệnh xơ cứng teo cơ một bên.
Họ nghĩ có thể sử dụng hình ảnh này trên trang web Augie's Quest, tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để quyên tiền cho nghiên cứu chống căn bệnh nói trên. Có lẽ những đứa cháu nhỏ của ông cũng sẽ muốn xem thứ này vào một ngày nào đó.
Nieto xem hồ sơ của chồng mình lần đầu tiên khoảng sáu tháng sau khi ông qua đời.
"Tôi sẽ không nói dối nhưng thực sự nó hơi khó xem", bà cho biết điều đó khiến mình nhớ lại cuộc trò chuyện vào ngày thiết lập, mọi thứ có vẻ gượng gạo.
James Vlahos, người đồng sáng lập HereAfter AI, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Mọi người đang lo lắng về cái chết và sự mất mát. Chương trình này có thể khó thương mại hóa vì mọi người buộc phải đối mặt với một thực tế mà họ không muốn đối mặt".
HereAfter AI là ứng dụng được phát triển từ một chatbot mà Vlahos đã tạo ra cho cha mình trước khi ông qua đời vì bệnh ung thư phổi vào năm 2017.
"Tôi không nghĩ về nó theo bất kỳ cách thương mại hóa nào. Nhưng mọi thứ sau đó lại đưa đẩy thành công việc kinh doanh".
Cũng như những cải tiến AI khác, các chatbot được tạo ra mô phỏng người đã khuất đặt ra những câu hỏi về đạo đức.
Vấn đề ở đây là sự chấp thuận, Alex Connock, thành viên cấp cao tại Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford và cho biết.
"Giống như tất cả các dòng đạo đức trong AI, nó sẽ phụ thuộc vào sự cho phép", ông nói. "Nếu bạn thực hiện điều đó một cách có chủ ý và sẵn lòng, tôi nghĩ hầu hết các mối lo ngại về đạo đức đều có thể được giải quyết khá dễ dàng".
Tiến sĩ David Spiegel, phó chủ tịch khoa tâm thần và khoa học hành vi tại Trường Y Stanford, cho biết các chương trình như StoryFile và HereAfter AI có thể khiến mọi người đau buồn, giống như xem lại một cuốn album ảnh cũ.
"Điều quan trọng là giữ một góc nhìn thực tế về những gì bạn đang nhìn thấy, không phải là người này vẫn còn sống và đang giao tiếp với bạn", ông cho biết, "bạn chỉ là đang xem những gì họ để lại".
Theo Mạnh Kiên (Đời Sống & Pháp Luật)