'Thời vàng son' đã qua của Nhật Bản: Từ cường quốc công nghệ với tàu cao tốc chạy 210 km/h, băng cassette Sony đến kẻ 'ra rìa' trong cuộc chơi chip điện tử

29/09/2021 09:56:59

"Nhật Bản có thể thắng trong công nghệ nhưng lại thua trong kinh doanh", ông Amari ngậm ngùi.

Vào năm 1964 khi Nhật Bản đăng cai kỳ Thế vận hội Olympic đầu tiên của mình, quốc gia này đã làm cả thế giới trầm trồ với những công nghệ tiên tiến, từ những đoàn tàu cao tốc chạy 210 km/h đến những băng nhạc cassette của Sony.

'Thời vàng son' đã qua của Nhật Bản: Từ cường quốc công nghệ với tàu cao tốc chạy 210 km/h, băng cassette Sony đến kẻ 'ra rìa' trong cuộc chơi chip điện tử

Có thể nói thập niên 1960-1970 là thời kỳ vàng son của công nghệ Nhật Bản khi các doanh nghiệp nước này luôn đi đầu trong nhiều công nghệ mới, thậm chí nhiều người còn mơ đến viễn cảnh quốc gia này vượt cả nền kinh tế số 1 thế giới lúc đó là Mỹ.

Thế nhưng giấc mơ đó chẳng bao giờ xảy ra.

'Thời vàng son' đã qua của Nhật Bản: Từ cường quốc công nghệ với tàu cao tốc chạy 210 km/h, băng cassette Sony đến kẻ 'ra rìa' trong cuộc chơi chip điện tử - 1

Thời hoàng kim đã qua

Nhật Bản tổ chức kỳ Thế vận hội 2020 (phải lùi 1 năm sang 2021 vì dịch) trong bối cảnh dịch bệnh và chẳng có ai quan tâm đến những thành quả công nghệ của họ. Giới truyền thông quốc tế chỉ để ý đến số ca nhiễm mới và những chiếc giường bằng giấy trong làng thể thao liệu có đủ "chắc".

Rõ ràng, thời kỳ hoàng kim của Nhật Bản trong mảng công nghệ với những chiếc tivi màu, băng cassette hay máy tính cá nhân đã qua. Trong khi người Nhật từng tự hào về những chiếc máy nghe nhạc Walkman thì Apple cho ra đời iPhone. Trớ trêu hơn nữa là người láng giềng Hàn Quốc hiện nay cũng vượt Nhật Bản về mảng smartphone và chip nhớ điện tử.

Câu chuyện ở đây không đơn giản chỉ là niềm tự hào dân tộc bị tổn thương mà nó còn liên quan đến cả một nền kinh tế đang cố gắng níu kéo thời hoàng kim của mình bằng kỳ Olympic 2020. Trong khi Mỹ và Trung Quốc tranh cãi nhau về bằng sáng chế, ganh đua nhau về kỹ thuật tiên tiến nhất cũng như đặt ra các tiêu chuẩn cho công nghệ mới thì Nhật Bản, từng là niềm tự hào của Châu Á nay lại bị "ra rìa".

Tất nhiên, chính quyền Tokyo nhận ra điều đó khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide có kế hoạch thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử như một dự án quốc gia, song hành với chiến lược đảm bảo an ninh lương thực cũng như nhiên liệu.

Vậy nhưng theo hãng tin Bloomberg, kế hoạch này muốn thành công cần đòi hỏi sự thay đổi gốc rễ tại Nhật Bản. Cụ thể, chính phủ cần dỡ bỏ những vùng bảo hộ, giảm bớt thủ tục hành chính, tuyển dụng thêm tài năng từ nước ngoài và đặc biệt là loại bỏ tư tưởng "Nhật Bản là trung tâm" (Japan Centricism) đã ăn sâu vào tiềm thức các doanh nghiệp.

'Thời vàng son' đã qua của Nhật Bản: Từ cường quốc công nghệ với tàu cao tốc chạy 210 km/h, băng cassette Sony đến kẻ 'ra rìa' trong cuộc chơi chip điện tử - 2

Nhật Bản đóng góp rất nhiều nghiên cứu cho mảng chip điện tử suốt 25 năm qua nhưng tỷ lệ lại đang giảm dần theo thời gian

Chuyên gia Kazumi Nishikawa của Bộ Công thương Nhật Bản cho biết việc thần thánh hóa công nghệ Nhật là điều "ngu ngốc" khi thời kỳ đỉnh cao của họ đã qua. Đây là thời điểm cần tiếp thu cái mới, cần sự cầu thị và học hỏi chứ không phải đắm mình trong hào quang quá khứ.

"Tư tưởng sản phẩm phải tự nghiên cứu và sản xuất tại Nhật Bản không còn hiệu quả nữa", ông Nishikawa thừa nhận.

Theo Bloomberg, Nhật Bản hoàn toàn có thể nhờ những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hiện nay trợ giúp, ví dụ như thu hút các công ty sản xuất chip bán dẫn của Đài Loan hỗ trợ xây dựng nhà máy. Vào tháng 7/2021, CEO C.C.Wei của một trong những hãng chip điện tử hàng đầu thế giới TSMC đã bày tỏ dấu hiệu về khả năng xây nhà máy ở Nhật Bản.

Hiện nền kinh tế thứ 3 thế giới đang đổ hàng trăm tỷ Yên vào mảng chip điện tử nhưng thế vẫn chưa là gì so với số tiền Mỹ chi vào mảng này. Theo các thống kê, nền kinh tế số 1 thế giới đã chi tới 52 tỷ USD, tương đương 5,7 nghìn tỷ Yên để phát triển mảng chip nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong khi đó, quốc gia hàng xóm của Nhật Bản là Hàn Quốc cũng chi nhiều tiền chẳng kém. Những tập đoàn như Samsung hay SK đã cam kết để thêm 450 tỷ USD cho mảng này trong 10 năm tới. Thậm chí doanh nghiệp TSMC của Đài Loan cũng cho biết sẽ chi tới 100 tỷ USD cho mảng mà họ đang dẫn đầu trong 3 năm tới.

"Nếu không chịu đầu tư cho tương lai, Nhật Bản sẽ luôn phải phụ thuộc vào nước khác trong kỷ nguyên công nghệ số", Giám đốc Yuko Harayama của Viện nghiên cứu Riken nhấn mạnh.

Giải mã điểm yếu

Hiện nay Nhật bản vẫn dẫn đầu thế giới trong một số công nghệ như robot hay siêu máy tính. Những kỹ sư Nhật Bản thậm chí mới đây đã phá vỡ kỷ lục thế giới về tốc độ đường truyền Internet.

Trong bản đánh giá chuỗi cung ứng của Nhà Trắng-Mỹ được công bố vào tháng 6/2021, Nhật Bản được nhắc đến 85 lần, nhiều hơn so với Hàn Quốc và Đài Loan nhưng tương đương với Châu Âu.

'Thời vàng son' đã qua của Nhật Bản: Từ cường quốc công nghệ với tàu cao tốc chạy 210 km/h, băng cassette Sony đến kẻ 'ra rìa' trong cuộc chơi chip điện tử - 3
Nguồn ảnh: Japan Times

Chủ tịch danh dự Tetsuro Higashi của công ty bán dẫn Tokyo Electron cho biết việc định hình điểm yếu của công nghệ Nhật Bản không đồng nghĩa với việc phải xây dựng lại cả một ngành từ con số 0.

Trên thực tế, ngành chất bán dẫn của Nhật cũng đã có nền tảng với bộ nhớ của Kioxia hay cảm ứng ảnh của Sony cùng vô số các nhà sản xuất, lắp ráp chip khác. Thế nhưng điều khó khăn ở đây là Nhật Bản chưa kết nối được những doanh nghiệp này thành một hệ thống cũng như tạo nên sản phẩm cốt lõi của mình.

Hệ quả là theo báo cáo của IC InSights, thị phần chip điện tử của Nhật Bản đã giảm từ 50% năm 1990 xuống chỉ còn 6% hiện nay. Một báo cáo khác của tổ chức Stiftung Neue Verantwortung tại Đức cho thấy đóng góp của ngành chip Nhật Bản cho thế giới đã suy giảm trong 25 năm qua và để Trung Quốc vượt qua.

Một báo cáo của chuyên gia tư vấn Takami Yunogami được trình bày trước Hạ viện Nhật Bản vào tháng 6/2021 cho thấy nước này từng sản xuất bộ nhớ cho những chiếc máy tính lớn (mainframe computer), nơi khách hàng đòi hỏi chất lượng cực cao và bảo hành tới 25 năm.

Thế nhưng khi mảng máy tính cá nhân trỗi dậy thì ngành công nghiệp Nhật lại không bắt kịp, để rồi bị Samsung vượt qua với những bộ nhớ giá rẻ chỉ bảo hành có 3 năm.

Rõ ràng trong kỷ nguyên công nghệ thay đổi từng ngày, Nhật Bản đang mắc căn bệnh "chất lượng cao" trong khi khách hàng thay mới sản phẩm liên tục và ưa chuộng giá rẻ.

Một yếu điểm nữa khiến công nghệ Nhật Bản gặp cản trở là chính phủ quá coi trọng những tập đoàn trong nước mà bỏ quên khả năng hợp tác phát triển với nước ngoài.

'Thời vàng son' đã qua của Nhật Bản: Từ cường quốc công nghệ với tàu cao tốc chạy 210 km/h, băng cassette Sony đến kẻ 'ra rìa' trong cuộc chơi chip điện tử - 4
Nguồn ảnh: Business Korea

 Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc hợp tác và làm việc chung với người nước ngoài là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho mảng công nghệ. Tinh thần lao động của người Nhật là đáng kính nể nhưng nếu không thể hòa nhập được với thế giới, tiềm năng công nghệ của họ sẽ bị giới hạn.

Một ví dụ điển hình là năm 1999, Nhật Bản xúc tiến vụ sáp nhập, mua lại của Hitachi với bộ phận sản xuất bộ nhớ của NEC dưới cái tên mới: Elpida. Thế nhưng kế hoạch vun trồng cho tập đoàn Hitachi thất bại hoàn toàn vào năm 2012 khi Elpida phá sản cùng khoản nợ 5,5 tỷ USD, để rồi bị công ty Mỹ Micron Technology mua lại.

"Tất cả những gì chúng tôi cố thử đều không thành công, từ các dự án quốc gia cho đến liên doanh đều thất bại. Mảng chip điện tử hiện đã nằm ngoài tầm khôi phục để vươn lên top thế giới rồi", chuyên gia Yunogami thừa nhận.

Dẫu vậy, báo cáo của Yunogami cũng cho thấy Nhật Bản vẫn còn cơ hội sản xuất thiết bị phụ trợ và nguyên liệu thô cho ngành chip nếu không thể cạnh tranh trực tiếp. Thật trớ trêu nhưng ông hoàng công nghệ một thời nay lại chỉ còn cơ hội nếu sản xuất phụ trợ cho những người chơi khác như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.

Thắng công nghệ, thua kinh doanh

Cách đây 40 năm, Mỹ và Nhật Bản từng nổ ra xung đột thương mại khi nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc bùng nổ. Tại thời điểm đó, Mỹ đã áp đặt các quy định về tỷ lệ sử dụng chip điện tử nội địa lên các mặt hàng hoặc sẽ phải chịu mức thuế thương mại đặc biệt.

"Mỹ từng coi sự trỗi dậy của Nhật Bản là mối đe dọa và cần phải kiểm soát", Cựu bộ trưởng ngoại giao về chính sách kinh tế tài khóa Nhật Bản, ông Akira Amari cho biết.

'Thời vàng son' đã qua của Nhật Bản: Từ cường quốc công nghệ với tàu cao tốc chạy 210 km/h, băng cassette Sony đến kẻ 'ra rìa' trong cuộc chơi chip điện tử - 5
Nguồn ảnh: Japan Times

Thế nhưng thay vì đấu tranh hoặc tìm đường phát triển mới, các công ty Nhật lại chấp nhận chỉ tập trung vào thị trường trong nước. Một phần nguyên nhân cũng là do việc tự mãn với thành quả công nghệ phát triển được, qua đó từ bỏ thị trường nước ngoài béo bở khi bị Mỹ áp thuế.

Ví dụ điển hình của câu chuyện này là Docomo, công ty Nhật Bản tiên phong trong công nghệ kết nối điện thoại với Internet nhưng giờ đây thế giới lại chỉ nhớ đến Apple và Samsung.

"Nhật Bản rất giỏi trong việc sáng chế, đi từ 0 đến 1, nhưng lại chẳng thành công lắm cho việc phát triển đi lên 10. Nhật Bản có thể thắng trong công nghệ nhưng lại thua trong kinh doanh", ông Amari ngậm ngùi.

Theo Huyền Bằng (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)