Không `chết yểu` như LG và BlackBerry, Sony sẽ hồi sinh mạnh mẽ

21/07/2021 10:54:56

Cuộc chiến trên thị trường smartphone đang ngày càng khốc liệt và Sony đã cho thấy họ có khả năng bám trụ bền bỉ như thế nào.

Chúng ta có thể thấy, BlackBerry, HTC và Nokia (ngoại trừ phiên bản hồi sinh HMD) đã thất bại trong cuộc đua di động. HTC thì vật vờ, còn BlackBerry thì không còn ai nhắc tới nữa. Mới đây nhất, người nhiều không khỏi xót xa khi nghe tin LG chính thức khai tử dòng điện thoại di động của mình. Không còn sức để cạnh tranh với những đối thủ khác trên thị trường, LG đã phải “muối mặt” chọn giải pháp cuối cùng là dừng cuộc chơi tại đây.

Trái ngược với những đối thủ trên, Sony bất chấp lép vế vài năm về thị phần, và cố gắng cho ra đời một sản phẩm hùng hậu để “hồi sinh” thương hiệu. Mẫu điện thoại Sony Ericsson W800 hùng mạnh, nổi bật giữa nhiều đối thủ khác.

Trong năm 2020, tổng doanh thu của tập đoàn cũng đã đạt được kết quả ấn tượng. Cụ thể, tính từ 1/4/2020 đến hết 31/3/2021, tổng doanh thu của tập đoàn đạt 82,5 tỷ USD và thu nhập hoạt động tăng 15% lên 8,9 tỷ USD, lãi ròng ghi nhận 10,7 tỷ USD cao nhất trong lịch sử. Chủ yếu lợi nhuận đạt được dựa vào hoạt động giải trí, như âm nhạc, video game và anime.

Đối với mảng kinh doanh smartphone, Sony đã hoàn thành mục tiêu sinh lời cho cả năm 2020 bất chấp quý 4 bị lỗ (tương ứng với quý 1 dương lịch). Như vậy là sau nhiều năm thua lỗ, cuối cùng Sony cũng đã báo lãi và dần lấy lại phong độ của mình.

Để có thể làm được điều này, Sony đã phải cắt giảm chi phí sản xuất và tăng giá bán đối với sản phẩm của mình. Theo đó, giá bán của chiếc flagship Xperia 1 III mới nhất của hãng có giá bán khá cao, lên tới 1.299 USD.

Không `chết yểu` như LG và BlackBerry, Sony sẽ hồi sinh mạnh mẽ

Có một điều mà chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng số lượng smartphone Sony bán ra ít hơn rất nhiều so với những giai đoạn trước. Trong năm 2020, hãng chỉ bán được 2,9 triệu thiết bị. Trong khi đó năm 2014 Sony bán được 39,1 triệu thiết bị. Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của Sony là duy trì hoạt động kinh doanh smartphone và chờ thời cơ bứt phá.

Hướng tới thị trường ngách

Thay vì cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ nặng ký khác, Sony lựa chọn hướng đến thị trường ngách để tồn tại và phát triển. Để mình không rơi vào tình trạng như LG, Sony đã lựa chọn cách thu hẹp quy mô, tinh giảm dải sản phẩm và cố gắng làm hài lòng nhóm người dùng cốt lõi của mình. Sony chẳng thèm để tâm đến việc xây dựng một chiếc smartphone mang tính cách mạng nhưng có rủi ro cao. Sony tập trung vào những khía cạnh họ có lợi thế để phát huy tối đa giá trị mang lại.

Xperia 1 là sản phẩm được Sony tập trung vào thiết kế lại và không rời bỏ đối tượng cốt lõi của mình. Thành quả là mẫu smartphone này nhận được nhiều lời khen ngợi do có phần cứng tuyệt vời mặc dù giá bán đắt và chưa thực sự hoàn hảo.

Không “ngủ quên” trước kết quả đó, Sony tiếp tục nâng cấp cho dòng Xperia ở thế hệ sau. Và bây giờ Xperia 1 III cung cấp trải nghiệm giải trí gần như toàn diện nhất trong số các điện thoại Android cao cấp. Đây chính là kết quả của nỗ lực 3 năm, dựa trên nền tảng Xperia 1 mà Sony theo đuổi.

Không sản xuất cho người dùng phổ thông mà tập trung vào một dòng sản phẩm là hướng đi của Sony trong giai đoạn này. Họ chỉ tập trung đến nhóm người dùng đam mê, am hiểu công nghệ. Sau 1-2 phiên bản cập nhật, flagship Xperia 1 và Xperia 5 của Sony đã nhận được nhiều đánh giá khá tốt. Điều đó cho thấy họ đang đi đúng hướng.

Sony đã xây dựng lại niềm tin đã mất đối với người dùng bằng cách tạo ra những chiếc smartphone tuyệt vời và duy trì một mảng kinh doanh bền vững, không dành cho tất cả mọi người. Sony đã phải mất rất nhiều công sức để giữ vững tinh thần để đi được đến đây. Hy vọng Sony có thể duy trì và phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai gần.

Theo Vũ Thị Vẻ (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật