Như VietNamNet đưa tin, bản đồ của ứng dụng Grab đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, khi tên các hòn đảo thuộc các quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã bị ứng dụng này biến thành tên gọi của Trung Quốc.
Cụ thể, một số thực thể như đá Subi, đá Châu Viên, đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam được thể hiện bằng tiếng Trung, theo cách mà Trung Quốc sử dụng để gọi tên các thực thể này.
Đáng chú ý, trên đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp, thực thể này được thể hiện với chú thích “Nansha District” hay “quận Nam Sa”, vốn là đơn vị hành chính trái phép do Trung Quốc thành lập và Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Không chỉ vậy, trên tính năng bản đồ của ứng dụng Grab, đảo Ba Bình và bãi Bàn Than của Việt Nam cũng bị hiển thị sai tên với thông tin chú thích về Đài Loan. Đây là những vi phạm nghiêm trọng của Grab đối với chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo ghi nhận của VietNamNet, sau hơn một ngày nhận được phản ánh, đến 14h00 chiều ngày 10/4, cả 2 bản đồ của ứng dụng Grab trên nền tảng Android và iOS đã được chỉnh sửa.
Cụ thể, các tên gọi tiếng Trung Quốc và tiếng Anh vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên bản đồ đã được xoá đi. Theo đó, chữ “Nansha District” trên đá Chữ Thập đã biến mất, điều đó cũng tương tự diễn ra trên bãi đá Vành Khăn khi các chữ Mỹ Tế - Tam Sa – Trung Quốc không còn, tên gọi tiếng Trung Quốc các thực thể Subi, đá Châu Viên… cũng đã được bỏ.
Bên cạnh đó, ngày 10/4, theo nguồn tin của VietNamNet, Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM cũng đã gửi giấy mời Công ty Grab Việt Nam lên làm việc về các thông tin sai phạm mà báo chí đã phản ánh, đồng thời sẽ xử lý nghiêm nếu Grab vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo ông Ngô Tuấn Khôi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SIEM, việc bản đồ của sự kiện Oceanman và Grab vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong thời gian gần đây, nguyên nhân chính là cả 2 đơn vị này cùng sử dụng nền tảng bản đồ của OpenStreetMap.
Về bản đồ của Grab, theo tìm hiểu đơn vị này bắt đầu bỏ dùng Google Maps để chuyển sang dùng OpenStreetMap từ năm 2018, và tại Việt Nam, theo thông tin trên truyền thông, thì bản đồ mới này bắt đầu đưa vào sử dụng từ quý 3/2022.
Lý do các doanh nghiệp chọn OpenStreetMap, theo ông Khôi, do đây là mã nguồn mở và tiết kiệm chi phí hơn so với dùng nền tảng Google Maps. Tuy nhiên, cách thể hiện địa danh của OpenStreetMap khác Google là nó dùng chính ngôn ngữ của quốc gia đó chứ không dùng chung như tiếng Anh. Cụ thể, nền tảng này đánh dấu các địa phận bằng tiếng Trung Quốc. Để xử lý các địa chỉ tiếng Trung Quốc mặc định, các đơn vị như Grab sẽ tạo thêm một lớp OpenMapTiles (thuật ngữ trong Hệ thống thông tin địa lý (GIS), chỉ các lớp bản đồ dùng nền tảng đồ hoạ Raster), để cá nhân hoá lại bản đồ và che thêm một lớp mới lên trên. Tuy nhiên, vì bản gốc là tiếng Trung Quốc nên các sai sót vi phạm chủ quyền như trên hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Ngô Tuấn Khôi cho biết thêm, hiện tại ở Việt Nam, nhiều cơ quan nhà nước cũng đang xây dựng và quản lý bản đồ bằng cách dùng phần mềm QGIS với bản đồ mặc định tích hợp sẵn là OpenStreetMap, nhất là ở mảng lâm nghiệp và đo đạc bản đồ. Đây là điều rất nguy hiểm, khi mặc định sử dụng tiếng Trung Quốc thì bản đồ đó đã khẳng định chủ quyền của quốc gia này lên các địa danh. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý ở Việt Nam cần có các quy định chặt chẽ hơn với việc dùng các nền tảng tích hợp xây dựng các bản đồ hiện nay, đặc biệt là các nền tảng đến từ Trung Quốc.
Theo Lê Mỹ (VietNamNet)