Chiều 9-4, đại diện Grab Việt Nam cho biết đã nắm được những phản hồi xung quanh việc hiển thị bản đồ trên ứng dụng của hãng công nghệ này. Công ty đang tích cực làm việc với đối tác cung cấp bản đồ để xử lý.
“Việc này hoàn toàn không liên quan đến sự tôn trọng của Grab đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tiếp nhận các ý kiến đóng góp một cách rất nghiêm túc và chân thành xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh. Grab Việt Nam cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam và luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước" - đại diện Grab Việt Nam nhấn mạnh.
Trước đó, tối 8-4, dư luận bàn tán việc bản đồ trên ứng dụng của Grab tại Việt Nam thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền nước ta ở Biển Đông. Cụ thể, với khu vực quần đảo Trường Sa, ngoài một vài tên thực thể như Sơn Ca, Sinh Tồn… được thể hiện bằng tiếng Việt thì tên các thực thể khác được thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Nhiều thực thể trong số này ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Theo bản đồ trên ứng dụng Grab, bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam không được thể hiện bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, tên gọi lại được thể hiện theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc. Bản đồ bãi đá này trên ứng dụng Grab còn thể hiện nội dung cái gọi là "đảo Mỹ Tế - Tam Sa - Trung Quốc".
Bãi Xu Bi của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép cũng được thể hiện bằng tiếng Hoa trên bản đồ ứng dụng của Grab. Bên cạnh đó, bản đồ trên ứng dụng của Grab còn thể hiện bãi Chữ Thập - thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - là "Nansha District", tức "huyện Nam Sa" - tên do Trung Quốc tự ý đưa ra...
Theo Ng.Hải (Nld.com.vn)