Steve Jobs và Bill Gates: Những tỷ phú thành công nhờ 'ăn cắp'

11/09/2020 14:08:00

Trên thực tế, câu chuyện của Bil Gates và Steve Jobs không thực sự là ăn cắp khi trung tâm PARC khá cởi mở về các phát minh của họ thời đó nhằm thúc đẩy sáng tạo thêm những kỹ thuật mới.

Máy tính cá nhân là một trong những phát minh thành công nhất của thế kỷ 20. Công nghệ này đã làm nên tên tuổi cho Bill Gates cũng như đối thủ của ông là Steve Jobs.

Thế nhưng, ý tưởng ban đầu của công nghệ này lại không đến từ 2 nhà sáng lập đại tài này mà từ phòng thí nghiệm của một hãng sản xuất máy in mang tên Xerox.

Steve Jobs và Bill Gates: Những tỷ phú thành công nhờ 'ăn cắp'

 

Chiếc máy tính cá nhân đầu tiên

Quay ngược về thập niên 1960, khi cả Bill Gates lẫn Steve Jobs đều mới chỉ là những cậu học sinh cấp 3 thì hãng Xerox đã là một tập đoàn lớn trong ngành sản xuất máy in. Đây là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh máy in thương mại vào năm 1959 và kiểm soát tới 85% thị trường Mỹ, có doanh số hơn 500 triệu USD mỗi năm trong suốt 1 thập kỷ.

Thế nhưng khi giấy phép bản quyền của Xerox hết hạn và nhiều hãng công nghệ Nhật Bản nhảy vào cạnh tranh, Xerox đã yêu cầu giám đốc công nghệ Jack Goldman phát triển bất kỳ một kỹ thuật mới nào để giữ vị thế cho hãng. Đi kèm với yêu cầu này là lượng tài chính khổng lồ nhằm khám phá bất kỳ công nghệ mới nào giúp Xerox đi trước đối thủ.

Steve Jobs và Bill Gates: Những tỷ phú thành công nhờ 'ăn cắp' - 1

Năm 1970, Goldman thành lập trung tâm nghiên cứu Palo Alto Research Center (PARC) và tập hợp những kỹ sư thông minh nhất trên toàn quốc để nghiên cứu công nghệ mới cho Xerox.

"Môi trường ở đây rất cởi mở, gần như mọi ý tưởng đều sẽ được đưa ra để thử nghiệm và kiểm chứng thường xuyên", một trong những nhà nghiên cứu tại PARC đồng thời là người đồng sáng lập Adobe, ông John Warnock nói.

Nhờ môi trường cởi mở cùng nguồn tài chính dồi dào và những bộ óc thông minh nhất, PARC đã phát minh ra rất nhiều công nghệ là nền tảng cho các sản phẩm ngày nay như chuột máy tính (Computer Mouse), mạng lưới nội bộ (Ethernet Networking) và đặc biệt là giao diện đồ họa với người dùng (Graphical User Interface-GUI).

Dẫu vậy, các nhà quản lý của PARC chẳng mấy quan tâm đến các phát minh này mà chỉ hứng thú đến những kỹ thuật liên quan đến dòng sản phẩm máy in chủ lực của Xerox. Bất chấp những định kiến đó, PARC xây dựng lên chiếc máy tính cá nhân đầu tiên mang tên Xerox Alto, bao gồm tất cả những công nghệ mà họ đã phát triển.

Chiếc máy tính này là một bước đột phá của công nghệ thời kỳ đó với việc sử dụng bàn phím cũng như chuột máy tính, có thể truy cập thư điện tử (email), sử dụng để gõ văn bản hoặc thậm chí là báo thức.

Steve Jobs và Bill Gates: Những tỷ phú thành công nhờ 'ăn cắp' - 2

Thế nhưng những giám đốc của Xerox lại chẳng hiểu đây là sản phẩm gì khi chúng quá phức tạp mà lại có giá đến 40.000 USD. Dù vẫn tài trợ để sản xuất 2.000 máy Xerox Alto nhưng hãng chẳng bao giờ quảng bá hay bán chúng. Thứ duy nhất hãng quan tâm là dòng công nghệ máy in ấn và sau khi sản xuất thành công dòng Xerox 9700 với công nghệ mới, hãng chẳng còn quan tâm đến những chiếc Alto nằm trong kho thí nghiệm nữa.

Chính thái độ thờ ơ của Xerox đã làm phật lòng nhiều kỹ sư tại PARC khi họ cho rằng các công nghệ mang tính đột phá đã bị coi thường. Rất nhiều người đã rời đi để khởi nghiệp hay tham gia các hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Những kẻ "ăn cắp" nổi tiếng

 

Mặc dù phí phạm những công nghệ đột phá nhưng các thành quả của PARC đã khiến trung tâm nghiên cứu này vô cùng nổi tiếng trong giới, qua đó thu hút được những doanh nhân như Steve Jobs hay Bill Gates.

Vào thời điểm này, Steve Jobs đang bận với các dự án phát triển LISA hay máy tính cá nhân Macintosh tại Apple. Ban đầu Jobs khá hoài nghi về Xerox cũng như PARC nhưng sau khi nhiều nhân viên của ông đến trung tâm và chứng kiến những công nghệ đột phá, nhà sáng lập này đã đồng ý đến PARC vào cuối năm 1979 để chiêm ngưỡng những thành quả kỹ thuật mới.

Theo những gì Steve Jobs kể lại, ông hoàn toàn bị thu hút bởi công nghệ GUI mà PARC phát triển mà bỏ qua những kỹ thuật còn lại.

"Tôi đã nghĩ đó là điều tuyệt nhất tôi từng thấy trong đời", Steve Jobs nhớ lại.

Mặc dù Steve Jobs đánh giá công nghệ GUI thời đó còn chưa hoàn thiện và nhiều lỗi nhưng đây là nền tảng cho máy tính cá nhân cùng nhiều kỹ thuật khác sau này. Nhà sáng lập Steve Jobs cho biết chỉ trong vòng 10 phút, ông đã nhận ra đây là tương lai của ngành máy tính tương lai.

Nhận ra được tiềm năng của GUI, Stave Jobs đã bán 100.000 cổ phiếu của Apple cho Xerox để tất cả nhóm kỹ thuật của ông có quyền truy cập thông tin về GUI, và các giám đốc của Xerox vui vẻ chấp nhận.

"Chỉ sau 1 giờ nhìn vào các số liệu, kỹ thuật viên của Apple đã hiểu được công nghệ cũng như ý nghĩa của nó hơn bất kỳ giám đốc Xerox nào dù chúng tôi đã cố giải thích cho họ rất nhiều năm", Cựu chuyên gia Larry Tesler của PARC đánh giá.

Quay trở lại câu chuyện của Apple, lúc này Microsoft của Bill Gates đang hợp tác với hãng như một nhà phát triển phần mềm thứ 3 cho Macintosh. Cũng tương tự như Apple, Microsoft đã tuyển dụng rất nhiều kỹ thuật viên từ PARC và đương nhiên Bill Gates hiểu rất rõ về Xerox Alto cùng tầm quan trọng của nó.

Nhà sáng lập Steve Jobs hiểu rõ điều đó và đã buộc Microsoft ký thỏa thuận vào năm 1981, qua đó cấm hãng phát hành bất kỳ sản phẩm máy tính sử dụng chuột nào trong vòng 1 năm sau ngày Macintosh được ra mắt, tức là có thời hạn đến mùa thu năm 1983.

Thật không may, các luật sư của Apple quên mất điều khoản dự phòng cho trường hợp Macintosh bị chậm tiến độ và đây chính là những gì đã diễn ra. Sản phẩm Macintosh của Apple không thể ra mắt đúng hẹn còn thỏa thuận với Microsoft vẫn giữ nguyên thời hạn.

Hệ quả là khi Macintosh cố gắng ra mắt vào năm 1984 thì trước đó vào năm 1983, Microsoft đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi ra mắt hệ điều hành Windows sử dụng nền tảng GUI, máy tính cá nhân dùng chuột và phần mềm văn bản Microsoft Word.

Nhà sáng lập Steve Jobs vô cùng tức giận và đã đâm đơn kiện nhưng tòa án cho rằng Bill Gates đã làm đúng theo hợp đồng.

Steve Jobs và Bill Gates: Những tỷ phú thành công nhờ 'ăn cắp' - 3

Khi Steve Jobs cáo buộc Bill Gates là kẻ cắp, nhà sáng lập Micrososft đã hài hước đáp trả: "Tôi nghĩ câu chuyện giống như chúng ta đều có một người hàng xóm nhà giàu tên Xerox và tôi đã đột nhập vào nhà anh ta để ăn cắp dàn tivi nhưng nhận ra nó đã bị người khác đánh cắp".

Trên thực tế, câu chuyện của Bill Gates và Steve Jobs không thực sự là ăn cắp khi trung tâm PARC khá cởi mở về các phát minh của họ thời đó nhằm thúc đẩy sáng tạo thêm những kỹ thuật mới. Trái với việc Microsoft hay Apple cố bảo vệ bản quyền của mình hiện nay, PARC đã cho phép hơn 2.000 người xem những thông tin về Xerox Alto chỉ riêng trong năm 1975.

Dẫu vậy dù nói thế nào, hãng máy in Xerox và trung tâm PARC đã đóng góp rất lớn cho ngành công nghệ ngày nay, trong đó có cả thành công của những tỷ phú như Steve Jobs hay Bill Gates.

 

Theo AB (Tổ Quốc)

Nổi bật