Ngày 8/1, một cửa hàng di động trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM đã chi 110 triệu đồng để mua tượng sáp của cựu CEO Apple trưng bày trong cửa hàng.
"Cửa hàng tôi từ những ngày đầu thành lập đã gắn bó với các mặt hàng của Apple. Tôi rất thần tượng Steve Jobs và muốn chia sẻ sự thần tượng với khách hàng đến cửa hàng của mình. Tôi hy vọng tượng sáp sẽ thu hút khách đến tham quan cửa hàng", ông Minh Tuấn, chủ cửa hàng di động chia sẻ.
Theo ông Tuấn, tượng sáp này được vận chuyển từ Trung Quốc với tổng chi phí 110 triệu đồng. Tượng được làm từ chất liệu sáp, cao khoảng 1,8 mét, tương đương kích thước thật của người sáng lập Apple.
Áo cổ lọ, quần Jeans và những phụ kiện như kính, dây nịt của tượng sáp mô phỏng chân thực trang phục thường ngày của Steve Jobs lúc sinh thời. Tượng sáp này mất 1 tháng để đặt hàng và vận chuyển. Theo chủ cửa hàng đây là tượng sáp Steve Jobs duy nhất tại Việt Nam.
Dù Apple tích cực truy quét các cửa hàng mạo danh Apple Store, nhưng tại Trung Quốc và VN, vẫn xuất hiện những cửa hàng bán lẻ sử dụng logo táo khuyết và "đạo nhái" cách bài trí cửa hàng của Apple.
Từ cuối 2015, Apple đã tăng cường hiện diện tại Việt Nam khi mở văn phòng đặt tại quận 1, TP.HCM. Đến đầu năm 2017, công ty Võ Trân đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của Apple, đã gửi văn bản đến các nhà bán lẻ trong nước yêu cầu ngừng sử dụng các nhãn hiệu của “táo khuyết” khi chưa được cấp phép.
"Các đơn vị không được ủy quyền của Công ty Apple để bán hoặc sửa chữa, bảo hành các sản phẩm Apple nhưng đang sử dụng các nhãn hiệu quả táo, Apple hoặc iPhone trên các biển hiệu cửa hàng; Và ngoài ra, có thời điểm cửa hàng của Ông/bà còn kinh doanh hàng hóa nhãn hiệu của công ty Apple nhưng không phải là hàng chính hãng Apple là hàng giả mạo nhãn hiệu", trích văn bản.
"Việc này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được ủy quyền của Công ty Apple khi họ mua hoặc sửa chữa sản phẩm Apple tại đây. Do đây là các hành vi xâm phạm quyền SHTT của công ty Apple (điều 129 - Luật SHTT) nên Công ty Apple có quyền tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại các hành vi này của Ông/bà".
Tuy nhiên, việc trưng bày tượng sáp Steve Jobs của cửa hàng trên không nằm trong danh mục biểu hiện vi phạm mà đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam nêu ra trong văn bản năm 2017. Apple Store hiện cũng không trưng bày tượng sáp của các đời CEO.
Năm 2012, đại diện pháp lý của Apple cũng lên tiếng vệ hình ảnh của Steve Jobs khi có dấu hiệu bị thương mại hóa. Apple đã đe dọa kiện khi một công ty Trung Quốc sản xuất và bán búp bê có hình dáng Steve Jobs. Theo Daily Telegraph, khi đó Apple tuyên bố sở hữu hình ảnh của Steve Jobs cho mục đích thương mại.
Năm 2010, Apple đã ngăn chặn thành công một công ty bán búp bê hình Steve Jobs. Tuy vậy, sở hữu pháp lý về hình ảnh “phù thủy” Steve của Apple là vô căn cứ bởi nó chỉ dành cho người sống. Khác với quyền sở hữu trí tuệ, việc sử dụng hình ảnh của người đã khuất là tự do.
Tại Mỹ, quyền sử dụng hình ảnh của người đã khuất chỉ tồn tại ở cấp tiểu bang. Luật liên bang không cấm việc này. Cá biệt bang Indiana của Mỹ quy định hạn chế sử dụng hình ảnh thương mại của một người trong 100 năm sau khi người đó qua đời. Điều này có nghĩa các yêu cầu pháp lý của Apple về hình ảnh Steve Jobs là vô lý.
Theo Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)