Mới đây, hai ông lớn trong làng di động là Samsung và Xiaomi đã lần lượt tung ra hai sản phẩm cao cấp nhất của mình. Với Samsung, đó là chiếc smartphone màn hình gập Galaxy Z Fold3. Còn với Xiaomi, đó là một chiếc smartphone với dáng vẻ truyền thống hơn là Mi Mix 4. Tuy nhiên, cả hai đều có chung một tính năng, đó là camera ẩn dưới màn hình.
Cả Samsung và Xiaomi đều không phải là những nhà sản xuất đầu tiên với công nghệ này. Thực tế, ngay cả Vsmart, một thương hiệu smartphone đến từ Việt Nam, cũng đã có mẫu Aris Pro với camera ẩn dưới màn hình từ năm ngoái. Thế nhưng ở thời điểm đó, camera ẩn dưới màn hình mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và cho chất lượng khá tệ, và công nghệ trên Galaxy Z Fold3 và Mi Mix 4 đã có những bước cải tiến nhất định.
Dù vậy, công nghệ này chưa chạm đến độ hoàn hảo. Trên chiếc Galaxy Z Fold3, camera ẩn dưới màn hình vẫn để lại những vết mờ mà một số người dùng có thể sẽ cảm thấy khó chịu.
Ông Lu Weibing, Phó chủ tịch của Xiaomi đã nêu ra những quan điểm về công nghệ camera ẩn dưới màn hình trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc). Dù không trực tiếp đề cập tới đối thủ, nhưng không khó để nhận ra nhận xét này là dành cho Galaxy Z Fold3, khi nó được đăng tải không lâu sau khi Samsung công bố.
Cụ thể, ông Lu Weibing cho rằng công nghệ camera ẩn dưới màn hình nên ưu tiên về khía cạnh chất lượng hiển thị. "Nếu phần camera vẫn bị lộ rõ, thì thà đục lỗ còn tốt hơn", ông này viết.
Do bản chất của công nghệ camera ẩn dưới màn hình là camera được đặt dưới những điểm ảnh của panel OLED, vậy nên nếu mật độ điểm ảnh trên màn hình càng cao thì ánh sáng lọt vào camera càng ít, từ đó khiến cho chất lượng ảnh chụp cũng trở nên tệ đi. Và, do Xiaomi đã lựa chọn đặt tính thẩm mỹ của màn hình lên cao hơn, vậy nên chất lượng ảnh selfie của Mi Mix 4 cũng bị ảnh hưởng.
Thực tế, chính ông Lu Weibing cũng thừa nhận điều này. "Nếu bạn không có nhu cầu chụp ảnh selfie phải thật "long lanh" và bạn muốn có trải nghiệm toàn màn hình, bạn có thể mua Mi Mix 4. Còn nếu bạn quan tâm đến chất lượng ảnh selfie, tôi khuyên bạn nên mua một mẫu máy với màn hình đục lỗ truyền thống."
Có thể bạn cho rằng do là một quan chức của Xiaomi, vậy nên quan điểm của ông Lu Weibing sẽ mang tính chất "dìm hàng" đối thủ và tâng bốc cho sản phẩm của mình. Tuy vậy, trong trường hợp này, những gì mà vị Phó chủ tịch này nói là hoàn toàn hợp lý.
Nhìn chung, mặc dù đã có bước tiến nhất định, nhưng những mẫu máy với camera ẩn dưới màn hình chưa đạt đến độ hoàn thiện cần thiết. Người dùng sẽ buộc phải đánh đổi: hoặc là chất lượng hiển thị, hoặc là chất lượng ảnh chụp. Việc Mi Mix 4 "giấu" camera ẩn tốt nhưng ảnh selfie lại tệ, hay Galaxy Z Fold3 chụp ảnh đẹp hơn nhưng vẫn để lộ phần camera, cho thấy sự thật là công nghệ của Samsung hay Xiaomi không hề tốt hơn hãng còn lại, mà chỉ đơn giản là mỗi hãng lại có một mức độ ưu tiên khác nhau dành cho sản phẩm của mình.
Còn nếu bạn là một người thường xuyên sử dụng camera selfie, thì quả thật, lựa chọn một mẫu smartphone với thiết kế camera truyền thống vẫn là sự lựa chọn khôn ngoan hơn, ít nhất là khi công nghệ camera ẩn dưới màn hình còn nhiều hạn chế như ở thời điểm hiện tại.
Theo Mì Xào (Pháp Luật & Bạn Đọc)