Song song với Mi MIX 4 và Mi Pad 5, mới đây Xiaomi cũng đã ra mắt dòng TV mới mang tên Mi TV 6 OLED. Đây là thế hệ TV OLED thứ hai của Xiaomi, đi kèm một số nâng cấp và đặc biệt là mức giá dễ chịu hơn rất nhiều.
Về thiết kế, Xiaomi cho biết đã giảm độ dày Mi TV 6 OLED xuống chỉ còn 4.6mm, ngoài ra viền màn hình cũng trở nên mỏng hơn để đạt tỷ lệ màn hình/thân máy 97%. Tiếc rằng, thiết kế chân đế của chiếc TV này vẫn theo phong cách truyền thống và không có gì quá nổi bật.
Panel OLED của Mi TV 6 OLED có độ phân giải 4K, hỗ trợ 10-bit màu, đạt độ sáng tối đa 900 nits, 98.5% dải màu DCI-P3, thời gian đáp ứng 1ms, hỗ trợ công nghệ bù chuyển động (MEMC) cũng như bộ lọc chống ánh sáng xanh để bảo vệ mắt. Nó hỗ trợ các công nghệ hình ảnh như Dolby Vision, HDR10, HDR10+ và HLG. Về âm thanh, Mi TV 6 OLED gồm 4 loa với công suất 12.5W, với mỗi loa bao gồm kênh bass và treble riêng biệt.
Về cấu hình, Mi TV 6 OLED được trang bị bộ vi xử lý lõi tứ MediaTek 9638 cùng với 3 GB RAM và 32 GB bộ nhớ trong. Nền tảng hệ điều hành là MIUI for TV do Xiaomi phát triển dựa trên nền Android.
Tuy nhiên, thứ hấp dẫn nhất ở Mi TV 6 OLED là mức giá. So với thế hệ TV OLED đầu tiên, giá của loạt TV OLED mới của Xiaomi đã được điều chỉnh giảm đáng kể. Phiên bản Mi TV 6 OLED 55 inch có giá 5699 NDT (20 triệu đồng), nhưng được mở bán với giá ưu đãi chỉ còn 4999 NDT (17.5 triệu đồng). Tương tự như vậy, phiên bản 65 inch có giá niêm yết/ưu đãi lần lượt là 7699 NDT (27 triệu đồng) và 6999 NDT (24.5 triệu đồng).
Rẻ, nhưng không nên mua
Với mức giá này, có thể nói mức giá của TV OLED Xiaomi đã tiệm cận so với các dòng TV LCD trên thị trường. Tại Việt Nam, một số model TV LCD 55 inch đến từ các thương hiệu như Samsung, Sony, LG... vẫn có giá dao động trong khoảng từ 17 đến 19 triệu đồng, trong khi đó các model 65 inch có giá từ 22 đến 30 triệu đồng.
Mặc dù có mức giá hấp dẫn, nhưng việc sử dụng các TV Xiaomi tại thị trường Việt Nam vẫn còn gặp nhiều rủi ro. Không chỉ khó khăn trong việc vận chuyển và bảo hành, những mẫu TV Xiaomi do được phát triển dành cho thị trường nội địa Trung Quốc, vì vậy nên có nhiều tính năng không tương thích tại các quốc gia khác.
Ví dụ, những mẫu TV này không xem được truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DVB-T2) được triển khai tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng cũng sử dụng nền tảng ứng dụng riêng tại Trung Quốc, khiến cho người dùng gặp khó khăn, thậm chí không thể cài đặt các ứng dụng giải trí phổ biến như Youtube, Netflix, FPT Play, VTV Giải trí...
Theo Mì Xào (Pháp Luật & Bạn Đọc)