Theo Chosun Ilbo, cả Samsung và SK Hynix sẽ ngừng các giao dịch với Huawei từ ngày 15/9. Nếu muốn tiếp tục hợp tác với hãng Trung Quốc, cả hai phải xin giấy phép đặc biệt từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Samsung và SK Hynix hiện là hai công ty cung cấp linh kiện bán dẫn đứng đầu và thứ hai thế giới, chủ yếu là RAM và chip nhớ Flash. Trong khi đó, Huawei cũng khá "mạnh tay" khi chi 20,8 tỷ USD để mua linh kiện bán dẫn trong 2019, đứng thứ ba toàn cầu sau Apple (36,1 tỷ USD) và Samsung (33,4 tỷ USD).
Hiện Huawei là khách hàng lớn của Samsung và SK Hynix. Năm ngoái, họ đã mua lượng linh kiện bán dẫn với số tiền chiếm 6% doanh thu của Samsung và 15% doanh thu của SK Hynix.
Ngày 17/8, chính phủ Mỹ siết chặt lệnh cấm, đưa thêm 38 chi nhánh của Huawei vào "danh sách đen", đồng thời yêu cầu các công ty cần giấy phép đặc biệt khi mua bán sản phẩm bán dẫn có sử dụng công nghệ Mỹ với Huawei, bất kể hãng này là bên mua, bên nhận hàng, trung gian, hay người dùng cuối. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ 0h ngày 15/9.
Trước đó, HiSilicon, công ty con chuyên về sản xuất bán dẫn của Huawei, không thể tiếp tục sản xuất chip di động.
Để giảm phụ thuộc, thời gian qua, Trung Quốc đẩy mạnh tự chủ sản xuất chip và linh kiện bán dẫn bằng cách thúc đẩy các nhà máy trong nước, trong đó có SMIC. Tuy nhiên, chính quyền Trump gần đây được cho là sẽ đưa doanh nghiệp này vào tầm ngắm. SMIC là công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc và chỉ đứng sau TSMC của Đài Loan, đồng thời sở hữu một trong những xưởng đúc hiếm hoi tại Trung Quốc có thể sản xuất vi xử lý trên quy trình 14 nm.
Theo giới quan sát, các lệnh cấm liên tiếp của Mỹ có thể sẽ đẩy nhanh quá trình tự chủ công nghệ của Trung Quốc, định hình lại thị trường điện thoại thông minh và chip trong tương lai gần.
Theo Bảo Lâm (Vnexpress.net)