Năm ngoái, FCC đã bỏ phiếu đề xuất, yêu cầu các nhà mạng ở nông thôn loại bỏ và thay thế thiết bị hạ tầng của hai công ty công nghệ Trung Quốc khỏi mạng lưới Internet hiện hành. Đến tháng 6/2020, cơ quan này chính thức tuyên bố Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ, cấm nhà cung cấp dịch vụ sử dụng nguồn quỹ chính phủ trị giá 8,3 tỷ USD để mua các thiết bị từ Trung Quốc.
Được biết, FCC đang kêu gọi Quốc hội phê duyệt gói tài trợ chuyển đổi cơ sở hạ tầng. Dù trước đó đã thông qua các khoản bồi hoàn cho nhà mạng nhưng Quốc hội vẫn chưa quyết định được số tiền cụ thể. Nhiều khả năng, các nhà mạng nông thôn Mỹ sẽ nhận được gói tài trợ trị giá 1,62 tỷ USD.
Chủ tịch FCC Ajit Pai cho biết ông đang thúc giục Quốc hội tài trợ kinh phí cho các nhà mạng thay thế thiết bị và dịch vụ được xác định là mối đe dọa an ninh quốc gia. "Bằng việc xác định sự hiện diện của các thiết bị và dịch vụ rủi ro trong hệ thống mạng, giờ đây chúng ta cần làm việc để đảm bảo mạng lưới này, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ mạng nhỏ lẻ ở nông thôn, có thể sử dụng cơ sở hạ tầng từ các nguồn đáng tin cậy", Ajit Pai cho biết.
Hiện FCC đã xác định được hơn 50 công ty viễn thông nhỏ ở vùng quê đang sử dụng thiết bị mạng và dịch vụ của ZTE, Huawei. Trong đó, một số nhà mạng lớn ở Mỹ như CenturyLink và Verizon vẫn còn sử dụng sản phẩm của hai công ty Trung Quốc.
Verizon cho biết đa phần thiết bị mạng mà công ty đang khai thác không thuộc sở hữu của Huawei hay ZTE. Tuy nhiên, một lượng nhỏ thiết bị được gọi là VoiceLink do Huawei sản xuất, chúng được dùng để thực hiện các cuộc gọi hội thoại. Verizon dự kiến sẽ ngừng sử dụng tất cả thiết bị VoiceLink trong năm nay.
Về phần mình, CenturyLink tuyên bố "các thiết bị cũ đang được nhắc đến không được dùng để định tuyến hay chuyển hướng lưu lượng truy cập người dùng" và chúng cũng không nằm trong quy định hạn chế của Quốc hội. Công ty hiện đã tích cực loại bỏ và thay mới thiết bị mạng, cũng như đang tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách liên bang để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Đại diện FCC khẳng định chỉ cần một nhà mạng tại Mỹ vẫn còn sử dụng thiết bị của hai hãng này, nghĩa là vẫn tồn tại các lỗ hổng về an ninh quốc gia. Mục đích cuối cùng của FCC là muốn loại bỏ hoàn toàn các linh kiện, thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE mà các nhà mạng tại Mỹ đang khai thác. Tuy nhiên để thực hiện điều này, chính phủ Mỹ sẽ phải chấp nhận tiêu tốn một khoản tiền không hề nhỏ.
Theo Minh Hoàng (Vnreview.vn)