Việc mua điện thoại trả dần theo gói cước di động vốn phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, hình thức này có thể bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.
'Máy mới mua 2 ngày, còn bảo hành mà, lo gì'
Anh Nam Nguyên (ngụ An Giang) vừa đăng tải lên một nhóm Facebook về trường hợp mua nhầm điện thoại chưa dứt hợp đồng với nhà mạng. Theo anh Nguyên, ngày 10/11, anh mua lại chiếc Galaxy Note 8 từ một trang rao vặt. Người bán cam kết với anh "máy mới mua 2 ngày, còn bảo hành mà, lo gì".
Kiểm tra thấy tình trạng máy như mới, an tâm với chính sách bảo hành một đổi một trong 30 ngày cộng thêm sự hối thúc của người bán nên anh Nguyên chỉ xem số IMEI, thời hạn bảo hành. Sau đó, anh trả số tiền 17,5 triệu đồng (rẻ hơn máy mới 5 triệu đồng) cho người bán.
Đến khi mang máy về nhà, anh Nguyên khởi động lại máy thì phát hiện chiếc Galaxy Note 8 vừa mua là máy hợp đồng sử dụng gói cước của nhà mạng Vietnamobile, bán thông qua FPT Shop. Người bán lại cho anh Nguyên chưa thanh toán đầy đủ theo thỏa thuận với FPT Shop.
Theo gói hợp đồng này, người mua sẽ được giảm giá máy 8 triệu (nếu trả góp 0% sẽ trừ thẳng vào khoản trả trước), đi kèm gói cước FPT888 duy trì 12 tháng. Mỗi tháng người dùng sẽ phải thanh toán gói cước điện thoại là 888.000 đồng. Nếu chậm thanh toán 15 ngày, máy sẽ bị khóa, không thể sử dụng.
Không chỉ Vietnammobile và FPT Shop, những máy Galaxy Note 8 mua theo diện hợp đồng gói cước từ nhà mạng Viettel và bán qua Viettel Store cũng có ràng buộc tương tự. Hiện có ba sản phẩm được Samsung cung cấp biện pháp quản lý này là Galaxy Note 8, S8 và J7 Pro.
Theo đó, phần mềm quản lý trên máy có tên Knox. Khi khởi động lại, máy sẽ hiện thông báo về tình trạng hợp đồng của máy và yêu cầu không "mua bán/chuyển nhượng/phá hủy máy để tránh bị khóa, không sử dụng được". Bên cạnh đó, phần mềm còn chặn khôi phục cài đặt gốc của máy.
Nhiều người dùng khá hoang mang với cách quản lý này của phía nhà mạng. "Nhiều người không rành về công nghệ, đi mua máy không kiểm tra được sẽ dễ chịu cảnh tiền mất tật mang như mình. Chỉ vì ỷ lại máy mới mua 2 ngày nên mình không tiến hành khởi động lại và giờ phải nơm nớp lo sợ chủ cũ không thanh toán, máy sẽ bị khóa", anh Nguyên chia sẻ.
Hiện FPT Shop và Viettel Store chưa có phương án gì để đối phó với việc người mua Galaxy Note 8 có hợp đồng với nhà mạng bán "sang tay" lại cho người khác với giá rẻ và "quỵt" tiền mua máy.
'Nắm kẻ có tóc, ai nắm người trọc đầu'
"Mình thấy Viettel Store và FPT Shop đã không lường trước được tình huống xảy ra khi tung ra chương trình này", anh Nguyên nói. Theo anh, với chương trình này, kẻ xấu có thể mua Note 8 giá rẻ và bán lại cho những ai cả tin, không am hiểu về công nghệ, sau đó "quỵt" khoản tiền cần đóng còn lại. Lúc này, người mua "sang tay" có thể bị khóa máy từ xa.
Do đó, người dùng này cho rằng nhà bán lẻ Viettel Store và FPT Shop nên có hình thức ràng buộc pháp lý trực tiếp đối với cá nhân đặt bút ký hợp đồng mua máy và hợp đồng mua SIM trả 12 tháng, thay vì cài một phần mềm có khả năng khóa máy từ xa.
"Hy vọng FPT Shop và Viettel Store lường trước được vấn đề để xử lý các tình huống này và thay đổi chính sách", anh Nguyên bày tỏ.
Hiện tại, những khách hàng đã trót mua máy như anh Nguyên chỉ còn cách cầu nguyện cho người chủ cũ của chiếc Galaxy Note 8 "rủ lòng thương", thanh toán cước phí đúng hạn để máy của anh không bị khóa.
Trả lời Zing.vn, đại diện Viettel cho biết những ai bị lừa mua máy chưa dứt hợp đồng có thể liên lạc với Viettel Store qua tổng đài 18008123 để được hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà mạng này không nói rõ phương án hỗ trợ cụ thể.
Điện thoại chưa dứt hợp đồng liệu có an toàn?
Theo anh Nguyên và một số người dùng Galaxy Note 8 có hợp đồng nhà mạng, ứng dụng Knox còn yêu cầu quyền can thiệp vào hoạt động của máy như: xóa mọi dữ liệu, đổi mật khẩu, quản lý định vị, quản lý Wi-Fi, điều khiển thiết bị từ xa... Từ đó, nhiều người dùng lo ngại về việc có thể bị theo dõi và thu thập thông tin cá nhân.
Chiều 21/11, FPT Shop đã gửi thông cáo đến Zing.vn, cho biết những khách hàng mua Galaxy Note 8 có hợp đồng nhà mạng phải đồng ý cài đặt ứng dụng F.Knox vào máy. Khách hàng được thông báo trước về điều này và đồng ý mới quyết định mua máy.
"Để đảm bảo người dùng sẽ thực hiện đúng cam kết sử dụng gói cước trong 12 tháng của mình như hợp đồng mà họ đã ký, người dùng đồng ý cho FPT Shop cài đặt phần mềm F.Knox lên máy Samsung trong thời gian cam kết sử dụng gói cước", nhà bán lẻ này cho biết.
"F.Knox thực chất là phiên bản rút gọn tính năng tối đa của Knox. F.Knox chỉ thực hiện duy nhất tác vụ khóa hoặc mở máy. Khi đã bị F.Knox khóa thì máy không còn sử dụng như bình thường được nữa. Việc khóa máy xảy ra khi khách hàng không thực hiện đúng cam kết sử dụng và thanh toán gói cước hàng tháng khi mua hàng", FPT Shop chia sẻ.
Cùng chung ý kiến trên, đại diện Viettel cũng khẳng định: "Không có chuyện Viettel can thiệp, thu thập dữ liệu người dùng".
Nhà mạng quân đội cũng cho rằng chương trình Supper Combo 4G là ưu đãi đặc biệt của Viettel và Samsung dành cho khách hàng khi mua điện thoại kèm gói cước trả sau của Viettel. Họ được giảm lên đến 6 triệu đồng, được trợ giá cước hơn 50%, không phải đặt cọc tiền trợ giá máy.
Để đảm bảo các khách hàng tham gia chương trình thực hiện đầy đủ cam kết đóng cước, phía Samsung cung cấp cho Viettel bộ sản phẩm bao gồm máy và phần mềm Knox. Đây là ứng dụng bảo mật của Samsung phục vụ cho việc quản lý thiết bị. Phần mềm này sẽ tự động được hủy sau khi kết thúc thời hạn cam kết. Đây là quy định được Samsung áp dụng cho tất cả khách hàng lựa chọn gói cam kết khi mua máy ở bất kì hệ thống nào.
Trong email gửi đến PV chiều 21/11, Samsung Việt Nam cho biết Knox giúp cài đặt nhanh và cập nhật các ứng dụng quản lý thiết bị di động đối với các sản phẩm tham gia chương trình mua máy kèm gói cước. Nhằm đảm bảo tính bảo mật và an toàn cho người dùng, giải pháp này không thu thập dữ liệu người dùng và không ảnh hưởng đến hoạt động của máy.
Theo chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc, ứng dụng Knox tuy đòi hỏi nhiều quyền kiểm soát thiết bị nhưng không đáng lo ngại, vì nó do chính Samsung cung cấp chứ không phải của bên thứ ba, và có cơ chế tương tự iCloud của Apple.
"Phần mềm này thực chất là phần mở rộng (extension) của app Knox framework, là hệ thống bảo vệ an toàn của máy Samsung, tương tự ứng dụng Find My iPhone trên iOS của Apple, nên nó yêu cầu được quyền tương đương ứng dụng Knox (bản gốc). Phần mềm này do đội ngũ phát triển của Samsung viết nên có thể tin cậy được, vì dù gì thì người dùng cũng đang sử dụng thiết bị của Samsung", anh Phúc nhận định.
Tại Mỹ và nhiều thị trường khác, smartphone cao cấp của Samsung hay Apple cũng được bán thông qua các nhà mạng lớn như AT&T, T-Mobile, Orange... Khi đó, người dùng chỉ cần trả trước một khoản bằng 30-70% giá máy (tùy hợp đồng) kèm theo thỏa thuận sử dụng gói cước 4G hàng tháng. Khi ra khỏi lãnh thổ, chiếc iPhone (hoặc Samsung Galaxy) có thể bị khóa.
Tương tự cách trên, Galaxy Note 8 hợp đồng nhà mạng tại Việt Nam đang được bán ra thông qua hai chương trình "VNM 102" (Vietnamoblile liên kết với FPT Shop) và Super Combo 4G (Viettel Telecom liên kết với Viettel Store). Ưu điểm của cách mua này là người dùng được trợ giá, bù cước và không cần đặt cọc. Tổng giá máy sau khi hết hạn hợp đồng không bị "đội lãi" so với cách trả góp thông thường qua hình thức tín dụng.
Tuy nhiên, nó cũng nảy sinh nguy cơ bị kẻ gian lợi dụng để mua rẻ, lừa đảo bán lại cho những người thiếu hiểu biết và "quỵt" tiền cước, khiến nạn nhân mua hớ và có thể bị khóa máy từ xa.
Nếu không am hiểu về cách thức trên, người dùng vẫn có thể mua Galaxy Note 8 (hay Galaxy S8, Galaxy J7 Pro) tại các nhà bán lẻ và không có bất kỳ ràng buộc nào với nhà mạng.
Theo Xuân Tiến - Duy Tín (Tri Thức Trực Tuyến)