Những bức xúc từ khách hàng
Theo ghi nhận từ cộng đồng người dùng, Viettel Store dường như đã tự ý cài đặt ứng dụng Device Adminstrator thu thập quá nhiều thông tin từ người dùng Note 8 trong chương trình nói trên. Đây là chương trình bán Galaxy Note 8 kèm hợp đồng dịch vụ giống như nhiều thị trường khác đã áp dụng trước đó, nơi người dùng được trợ giá cước cũng như hưởng nhiều chính sách ưu đãi khác như gọi, nhắn tin và truy cập data rẻ hơn 50% so với thông thường.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ người dùng thì dường như Viettel đã âm thầm kích hoạt một số dịch vụ trên máy, cho phép thu thập nhiều thông tin riêng tư của người dùng mà chưa được chủ nhân chấp nhận. Vụ việc được phát hiện khi một chủ nhân Galaxy Note 8 mua máy theo chương trình của Viettel đã đánh mất điện thoại của mình và không thể tìm kiếm thiết bị thông qua tính năng Find My Device. Sau khi tìm hiểu thì anh phát hiện nguyên nhân là vì Find My Device là một trong những tính năng được kích hoạt trên điện thoại với nhiều quyền kiểm soát.
Không chỉ có vậy, nhiều khách hàng cũng phát hiện dịch vụ Device Adminstrator đã được kích hoạt tự động sau khi thời hạn 30 ngày đổi trả máy miễn phí kết thúc, cho phép Viettel có nhiều quyền kiểm soát sâu hệ thống và dữ liệu người dùng.
Theo ghi nhận trên một diễn đàn người dùng Galaxy Note 8, nhiều người đã chia sẻ hình ảnh Viettel có một danh sách dài quyền truy cập thông tin thiết bị như KC Client, KC Agent Admin… đều đòi hỏi được truy cập sâu vào hệ thống để lấy thông tin khách hàng và quản lý nhiều tính năng quan trọng của máy.
Một số thành viên cũng cho rằng, việc để Viettel quản lý quá sâu vào thiết bị sẽ khiến chủ nhân của nó gần như không có bất kỳ quyền gì liên quan đến việc sở hữu thiết bị.
Bên cạnh đó, một số người dùng cho rằng việc họ không nhận được bất kỳ thông tin tư vấn về hoạt động này là hành động không thể chấp nhận, bởi Viettel đã khống chế khách hàng một cách vô lý, nhất là khi mức giá kèm hợp đồng cũng không phải là rẻ, với gói cước cam kết hằng tháng ở mức cao (600.000 đồng/tháng).
Cách làm của Viettel là đúng hay sai?
Trong thực tế, việc Viettel Store thực hiện những quyền trên là hoàn toàn phù hợp để có thể kiểm soát các thiết bị kèm hợp đồng với nhà mạng này giống như nhiều nhà mạng trên thế giới đã làm. Điều này giúp tránh những phiền toái trong các tranh chấp phát sinh trong quá trình sử dụng.
Vấn đề là bản hợp đồng của Viettel khi đưa ra cho khách hàng ký kết không hề đề cập đến việc công ty cài phần mềm Knox riêng để khóa thiết bị từ xa, điều này khác biệt so với những gì hệ thống bán lẻ FPT Shop đã nêu về việc cài sẵn F Knox trên Note 8 kèm hợp đồng với nhà mạng Vietnammobile.
Ngoài ra, Galaxy Note 8 khóa mạng mà Viettel bán rất giống với phiên bản thông thường, vì vậy khi ai đó bên thứ ba mua lại Galaxy Note 8 từ người ký hợp đồng với Viettel, họ sẽ khó để biết được máy đang bị khóa và không thể thực hiện tiếp thanh toán hộ (Viettel không cho phép điều này). Điều này khác biệt so với Note 8 kèm hợp đồng bán bởi một số cửa hàng bán lẻ khác, vốn kèm thông báo về chương trình hợp đồng sau khi bật máy lên rất rõ ràng cho người dùng.
Sau sự việc, trao đổi với PV, đại diện Viettel cho biết kể từ ngày 11.11, Viettel Store đã thay đổi thông tin trong bản hợp đồng gói cam kết khi mua Galaxy Note 8, trong đó thêm điều khoản công ty cài đặt ứng dụng Knox riêng nhằm mục đích khóa máy tạm thời đối với những khách hàng thanh toán chậm cước.
Ngoài ra, Viettel còn cho biết việc khách hàng khiếu nại ba phần mềm được cài đặt vào máy bao gồm: KC Agent Admin, KC Client và Knox Enrollment Service, khi cho rằng các phần mềm này đang thực hiện thu thập thông tin và theo dõi người dùng, thì trên thực tế, đây là các phần mềm bảo mật, bản quyền được cung cấp bởi Samsung, vì thế để khách hàng cảm thấy yên tâm về việc không bị xâm phạm thông tin cá nhân, thì theo Viettel, Samsung nên có thông tin chính thức đến người dùng.
Hiện tại, Samsung Việt Nam đã ghi nhận thông tin này và cho biết sẽ đưa ra câu trả lời sớm đến người dùng.
Theo Thành Luân (Thanh Niên Online)