Bức ảnh có nội dung gây hoang mang trên đã lan truyền nhanh chóng và xuất hiện nhiều nơi trên Facebook tại Việt Nam trong chiều về đêm 25/12. Nội dung của nó cảnh báo mọi người tắt hết các thiết bị di động, điện tử vào khuya nay để tránh ảnh hưởng bởi tia vũ trụ.
Để tăng độ xác tín cho thông tin trên, bức ảnh còn "trích dẫn" nhiều nguồn như Singapore TV, Google, NASA và BBC. Ngoài ra, nội dung bức ảnh còn đánh vào cảm xúc của người được nhận thông qua việc kêu gọi chia sẻ đến những người thân, quan trọng với mình.
Theo Snope, trang web chuyên để kiểm tra tin giả mạo, thông tin này bắt nguồn từ nước ngoài từ năm 2014 và hoàn toàn không có thật. Tia vũ trụ là tên gọi chung cho những tia bắt nguồn từ bên ngoài Trái Đất. Phần lớn các tia này đều bị từ trường quanh Trái Đất giảm nhẹ, triệt tiêu hoặc làm lệch hướng. Vì vậy ảnh những tia này vô hại với các thiết bị điện tử cũng như con người.
Nếu tinh ý, người dùng cũng có thể thấy nội dung của bức ảnh có điểm vô lý. Thời gian ghi rõ 12:30 PM đến 3:00 PM (buổi chiều) nhưng lại yêu cầu thực hiện tắt thiết bị vào đêm và rạng sáng.
"Từ tối đến giờ tôi đã nhận gần 10 tin nhắn như vậy từ nhiều người. Những tin nhắn đầu, tôi thấy khá vui vì đến giờ vẫn còn người tin vào loại tin dạng này. Tuy nhiên đến khi nhận được hàng loạt các tin tương tự tôi cảm thấy rất phiền", Thanh Hải, giáo viên một trường trung học tại Đồng Nai chia sẻ.
"Mình thấy mấy người khác gửi mình cũng gửi thôi", Thanh Tầng, sinh viên năm cuối tại TP.HCM trả lời khi được hỏi về nguồn gốc của bức hình trên.
Tin tức giả mạo vốn không phải là vấn đề mới trên Facebook tại Việt Nam, nhưng chúng vẫn tồn tại và thu hút hàng ngàn lượt like và chia sẻ từ những người cả tin và tham lam. Những trang tung tin giả nhằm tăng tương tác để hỗ trợ bán hàng online.
Mới đây, "cuộc chiến thẻ cào" giữa fanpage giả dạng doanh nhân Minh Nhựa và Cường Đôla là một ví dụ. Sau khi kêu gọi người dùng nhấn like và chia sẻ bài viết để nhận thẻ cào, hai trang này đã "rút êm" với lượng tương tác khủng. Sau tuyên bố rút lui khỏi chương trình "Ai là triệu phú" của nhà báo Lại Văn Sâm, hàng loạt fanpage giả mạo MC kỳ cựu của VTV đã được lập ra, đăng những câu chuyện "như thật", xen lẫn quảng cáo bán hàng nhưng vẫn được hàng ngàn lượt like và chia sẻ.
Trước khi có mạng xã hội, trò lừa bịp dựa vào tin giả mạo cũng đã xuất hiện vào thời kỳ đầu của ngành bưu chính viễn thông dưới dạng "hãy gửi bức thư này cho 100 người nếu không bạn sẽ chết". Động cơ của trò này được cho là nhằm tăng doanh thu cho các đơn vị chuyển phát.
Theo Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)