Sáng 22/12, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, trong số các điểm nhấn của ngành năm qua, có việc Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong tăng cường quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, nổi bật là hai mạng xã hội lớn của Google và Facebook.
"Google và Facebook bước đầu đã hợp tác tích cực với phía Việt Nam. Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video xấu độc trên trang Youtube trong tổng số khoảng 5.000 video theo yêu cầu của Bộ; Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước", Bộ trưởng Tuấn nói.
Theo ông, các vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện. Cùng với đó, Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới; một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát.
“Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động. Hiện tượng mất an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử cũng ngày càng gia tăng về số lượng”, ông Tuấn thông tin.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên mạng internet; giảm thiểu tác động tiêu cực của các thông tin xấu, độc...
“Tới đây Bộ sẽ có cuộc làm việc với các đơn vị liên quan và doanh nghiệp viễn thông nhằm xử lý thông tin xấu độc trên mạng; nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng xã hội”, Bộ trưởng Tuấn cho hay.
Không có cơ chế đặc thù trong quy hoạch báo chí
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, thành phố đã hoàn thiện đề án quy hoạch báo chí và đang xin ý kiến các cơ quan liên quan, trong đó đề xuất cơ chế đặc thù cho Hà Nội.
Theo bà Tú, với 23 cơ quan báo chí, tổng số trên 1.500 lao động, xuất bản 22 ấn phẩm chính và 12 ấn phẩm phụ, Hà Nội là một trong hai trung tâm báo chí lớn nhất toàn quốc.
Phản hồi ý kiến của đại diện thành phố Hà Nội, Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, định hướng quy hoạch báo chí đã được Trung ương thông qua, đến nay không có gì thay đổi, "nghĩa là không có cơ chế đặc thù như Hà Nội đề xuất".
Cũng theo ông Phúc, việc 3 cơ quan báo chí thuộc sở nhập vào một cơ quan báo chí như Hà Nội đề xuất, là chưa phù hợp với quy hoạch vì cấp sở sẽ không còn cơ quan báo chí.
Ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho hay trên địa bàn có 38 cơ quan báo chí, gần 650 trang tin điện tử và 142 cơ quan đại diện của các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương. Thời gian qua, thành phố gặp một số khó khăn nhất định khi thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đặc biệt với văn phòng đại diện các cơ quan báo chí.
Ông Đức cho rằng, hiện thông tin điện tử có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng thông tin xã hội. Do đó, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM đề nghị được Bộ hỗ trợ, phân quyền nhiều hơn để chủ động trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải làm thật tốt công tác quản lý báo chí, để các báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và năng động nhất, đưa đến giá trị tốt cho xã hội.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải gương mẫu trong quy hoạch các cơ quan báo chí thuộc Bộ và các hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ
Theo Võ Hải (VnExpress.net)