Những thông tin về cuộc cạnh tranh ngầm giữa Facebook và Instagram được tiết lộ trong phiên tòa chống độc quyền giữa Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Meta.
Vụ thâu tóm Instagram trị giá 1 tỷ USD của Facebook năm 2012 đóng vai trò lớn trong vụ kiện. FTC tranh luận thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp vi phạm luật cạnh tranh Mỹ.
Các email nội bộ cùng tài liệu khác giai đoạn 2018 – 2022 cho thấy Instagram và Facebook vật lộn để cùng tồn tại. Trong email, Zuckerberg bày tỏ lo ngại ứng dụng chia sẻ ảnh bắt đầu “ăn thịt” mạng xã hội trên hành trình phát triển của mình. Đây rõ ràng là tình huống rủi ro mà Zuckerberg phải vượt qua.
Một số tài liệu từ năm 2018 chỉ ra Instagram đang lấn lướt Facebook. Zuckerberg nói nếu sớm dừng quảng bá Instagram đến nửa tỷ người dùng, họ đã không phải lo về chuyện mạng lưới bị phẩn mảnh.
Ông cũng đặt câu hỏi liệu Instagram có phải sản phẩm tốt hơn Facebook. Dù vậy, ông tự trả lời khi cho rằng xét tổng thể, nó kém hiệu quả hơn và chỉ phát triển nhanh chóng nhờ được quảng cáo mạnh mẽ.
Trong khi “người em” Instagram ngày càng được giới trẻ ưa chuộng, Facebook cần duy trì sự cuốn hút đối với người dùng của mình, đặc biệt khi dùng cả hai ứng dụng.
Zuckerberg quyết định làm theo hai hướng: tăng cường nhận diện thương hiệu Facebook khi người dùng mở Instagram và WhatsApp; thay đổi thương hiệu hoàn toàn.
Năm 2019, người dùng nhìn thấy dòng chữ “Instagram from Facebook” khi mở ứng dụng. Hai năm sau, Facebook đổi tên thành Meta Platforms.
Dù vậy, đến năm 2022, Facebook vẫn tồn tại khá mờ nhạt trong cuộc sống của người dùng. Trong email gửi người phụ trách Facebook Tom Alison, ông chủ Meta nói sẽ tập trung hơn vào việc tìm ra lộ trình hợp lý cho mạng xã hội trong dài hạn.
Nhằm kiềm chế Instagram ảnh hưởng sâu sắc hơn đến Facebook, Zuckerberg thảo luận một số phương án. Theo tài liệu trình lên tòa, những phương án đó là: quảng bá Instagram ít hơn, giảm lượng quảng cáo Facebook, tách Instagram thành công ty riêng, tái cơ cấu đội ngũ lãnh đạo, tạo sự khác biệt giữa Instagram và Facebook, tập trung Instagram vào các nhân vật của công chúng và video để cạnh tranh nghiêm túc hơn với YouTube.
Drama không chỉ diễn ra giữa các ứng dụng mà còn giữa Zuckerberg và hai đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom và Mike Krieger. Do không tìm được tiếng nói chung, tháng 9/2018, cả hai đã từ chức tại Instagram.
Theo Du Lam (VietNamNet)