Đó là hạn chế sử dụng máy tính công cộng và mạng WiFi công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử. Ngoài ra, theo NHNN, người dân nên gõ trực tiếp địa chỉ những trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn những đường link có sẵn, và chỉ đăng nhập ở website chính thức của ngân hàng.
WiFi công cộng tuy khá tiện lợi khi có thể giúp mọi người làm việc, kết nối với nhau hoàn toàn miễn phí, tiết kiệm pin, nhưng lại có thể khiến người dùng phải trả giá đắt với những mối nguy hiểm trên không gian mạng. Theo đó, khi dùng WiFi công cộng, người dùng sẽ gặp những nguy cơ, bao gồm bị đánh cắp dữ liệu, phát tán phần mềm độc hại, tấn công nghe lén và đặc biệt là có thể mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
NHNN cho biết, trước tình hình về tội phạm trên không gian mạng diễn biến phức tạp, ngoài việc các ngân hàng tiến hành triển khai những giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin như xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền theo Quyết định 2345, người dân cần phải nâng cao nhận thức về an toàn an ninh thông tin mạng, đồng thời tuân thủ những hướng dẫn về sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn.
Chính vì vậy, theo NHNN, người dân cần phải tuần thủ những quy định và hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến cũng như đắng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch.
Bên cạnh đó, đối với mật khẩu truy cập dịch vụ giao dịch trực tuyến, người dân cần đặt mật khẩu khó đoán cũng như đảm bảo quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên, đồng thời không sử dụng những tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động.
Đặc biệt, theo NHNN, người dân không cung cấp tên hay mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã OTP qua điện thoại, email, mạng xã hội… cho bất cứ ai, kể cả là nhân viên ngân hàng; tuyệt đối cảnh giác, không truy cập các đường link lạ qua chat, SMS, email gửi đến điện thoại của để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Nếu bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ tên đăng nhập/mật khẩu, người dân cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng nhằm được hỗ trợ kịp thời. Trong trường hợp bị mất thẻ, khách hàng cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng sớm để tránh nguy cơ bị mất hết tiền trong thẻ.
Ngoài ra, theo NHNN, người dân chỉ cài đặt những ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play, App Store, mua sắm hoặc thanh toán trực tuyến ở những trang mạng uy tín, được cấp phép hoạt động và có thông tin liên lạc rõ ràng. Người dân nên chủ động giữ gìn, bảo mật các thông tin cá nhân và thông tin tài khoản, đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật những cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các ngân hàng cung cấp dịch vụ, những phương tiện truyền thông đại chúng.
Người dân có thể đến ngân hàng để cập nhật sinh trắc học
Từ ngày 1/7, thực hiện Quyết định số 2345, các ngân hàng tiến hành triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai, lợi dụng một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, đã xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo. Theo đó, các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng để liên hệ khách hàng đề nghị hỗ trợ cài đặt sinh trắc học và sau đó chiếm đoạt tài sản …
Theo thông tin từ các ngân hàng, hiện nay, các đối tượng lừa đảo thường liên hệ với khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook… để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.
Các ngân hàng cũng cho biết, không liên hệ trực tiếp với người dân để thu thập thông tin sinh trắc học. Do đó, người dùng cần hết sức cảnh giác với những cuộc gọi mạo danh này.
Các ngân hàng đưa ra khuyến cáo, khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng và tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác nhằm tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo. Trong trường hợp nếu không tự thao tác được, người dân có thể đến các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.
Theo Minh Hằng (Nguoiduatin.vn)