Hệ điều hành Android “thuần” vẫn được một số thương hiệu smartphone chào mời như một điểm mạnh và vẫn có nhiều người yêu thích Android gốc, nhưng những smartphone này ngày nay rất hiếm, ngoài một sự thật hiển nhiên là điện thoại của Google, thì còn có Sony, Nokia, Motorola và Asus.
Nếu bạn có một chiếc flagship của Samsung, Sony, Motorola hoặc HTC nhưng không có tùy chỉnh từ nhà sản xuất, không có bloatware do nhà mạng cung cấp. Điều đó sẽ không tốt sao?
Đó là ý tưởng đằng sau chương trình Google Play Edition (GPE), chương trình này sử dụng phần cứng từ các phiên bản smartphone thông thường nhưng loại bỏ càng nhiều tính năng được nhà sản xuất thêm vào càng tốt. Điện thoại Google Play Edition là thứ gần nhất với Google mà bạn có thể tìm kiếm từ những hãng khác.
Chương trình này đã có một khởi đầu tuyệt vời tại sự kiện Google I/O 2013, nơi một phiên bản Google Play Edition của Samsung Galaxy S4 (phiên bản Snapdragon 600) đã được giới thiệu. Không có TouchWiz, chỉ có Android 4.2.2 Jelly Bean. Tại Mỹ, phiên bản này chỉ bán thông qua cửa hàng Google Play và được bán với giá 650 USD, cao hơn mức giá 580 USD của phiên bản thông thường.
HTC One Google Play Edition cũng xuất hiện vào năm 2013 và thay thế giao diện Sense UI với Android gốc. Cửa hàng Google Play ban đầu tính giá 600 USD cho một chiếc, nhưng đã giảm xuống còn 500 USD vào năm sau. Dù vậy, giá khởi điểm lại cao hơn phiên bản thông thường, với giá 575 USD ở Mỹ.
Ngoài mức giá cao hơn, smartphone Google Play Edition có số lượng rất hạn chế. Google chưa bao giờ làm tốt trong việc bán các sản phẩm phần cứng trên toàn cầu, vì vậy việc giới hạn những chiếc điện thoại này chỉ ở cửa hàng của chính mình đã góp phần lớn vào thất bại của GPE.
Trong khi một số người sử dụng Android “thuần” như một từ đồng nghĩa với chất lượng “tốt”, nhưng thực tế là Google luôn chậm chạp trong việc áp dụng các tính năng mới - những tính năng này đến với giao diện tùy chỉnh của các nhà sản xuất trước và cuối cùng chuyển sang AOSP (Dự án mã nguồn mở Android) sau một vài phiên bản. Đây cũng không hẳn là một điều xấu, AOSP phải là điểm ổn định cho Android, các tính năng nửa vời không có chỗ ở đó.
Thế hệ điện thoại GPE cuối cùng trong năm 2013 là phiên bản của Sony Xperia Z Ultra, tuy nhiên nó đã bỏ nhãn hiệu “Xperia” nên chỉ còn là Sony Z Ultra. Chiếc điện thoại này một lần nữa được bán giới hạn trong cửa hàng Google Play của Mỹ và có giá 650 USD khi ra mắt. Giá đó thực sự rẻ hơn một chút so với phiên bản Xperia (670 USD), mặc dù cả hai đều được giảm giá vào năm 2014 - giảm 200 USD cho GPE và 230 USD cho Xperia.
Ngoài ra còn có một máy tính bảng Google Play Edition dựa trên LG G Pad 8.3. Máy có giá 350 USD khi ra mắt, tương đương với một chiếc Nexus 7 (thế hệ thứ 2) cao cấp nhất với bộ nhớ 32 GB và kết nối LTE. G Pad chỉ có bộ nhớ trong 16 GB và không có LTE, khiến nó chỉ ngang với phiên bản 230 USD của Nexus 7. Máy tính bảng LG có màn hình lớn hơn và chipset Snapdragon 600 mới hơn. Tuy nhiên, giá cả rõ ràng là một vấn đề lớn với các thiết bị Google Play Edition này.
Moto G là một chiếc điện thoại tầm trung rất phổ biến vào năm 2013 - nó khá rẻ ở mức 180 USD và khá tốt. Motorola vẫn thuộc sở hữu của Google vào thời điểm đó, vì vậy nó đã chạy Android gần như bản gốc, được cài thêm một số tính năng đặc biệt của Moto. Mặc dù vậy, Motorola vẫn phát hành Google Play Edition vào năm 2014 với mức giá tương đương với phiên bản thông thường - 180 USD cho 8 GB, 200 USD cho 16 GB.
HTC tiếp tục ra mắt chiếc điện thoại GPE thứ hai là HTC One (M8). Phiên bản này được công bố cùng với bản thông thường và có giá 700 USD, cao hơn 50 USD so với phiên bản thông thường. Tệ hơn nữa, phiên bản Developer Edition của điện thoại cũng có giá 650 USD và bạn có thể tự do cài đặt bất kỳ phần mềm nào bạn muốn trên đó - phần cứng giống nhau trên cả ba phiên bản. Thật khó để biết Google đang nghĩ gì. Dù sao, HTC One GPE cũ hơn đã được giảm giá 100 USD xuống còn 500 USD trong cùng ngày hôm đó.
Google ngừng bán Moto G GPE vào ngày 7 tháng 1 năm 2015, chỉ còn lại HTC One (M8) GPE - cũng đã bị ngừng bán vào ngày 21 tháng 1. Không có Galaxy S5 GPE và không có bổ sung mới từ Motorola (đã được bán cho Lenovo một vài tháng trước đó), chương trình Google Play Edition đã kết thúc chưa đầy hai năm sau khi bắt đầu.
Giá cao hơn, thị trường hạn chế và các tính năng bị thiếu, nhìn lại, điện thoại Google Play Edition không có cơ hội thành công. Chúng là những sản phẩm mà chỉ những người đam mê smartphone mới đánh giá cao. Nhưng dù sao thì Google cũng khá thành công với Nexus 4 và 5, những chiếc điện thoại Android gốc có mức giá hấp dẫn và sức mạnh tốt.
Chương trình Google Play Edition không thật sự có một phiên bản kế nhiệm. Điều gần nhất với GPE là Android One, bắt đầu vào năm 2014. Các nhà sản xuất thường quảng cáo 2 bản cập nhật hệ điều hành, 3 năm bản vá bảo mật và giao diện người dùng gốc. Điều tốt hơn là họ có thể bán smartphone Android One ở bất cứ đâu, tránh được một sai lầm chết người của GPE.
Mặc dù HMD Global khá quan tâm đến việc phát hành điện thoại Nokia chạy Android One, nhưng hầu hết các nhà sản xuất khác lại không mặn mà lắm. Có vẻ như Android gốc cuối cùng cũng không phải là một điểm thu hút lớn như chúng ta tưởng.
Bản thân Android đã thay đổi khá nhiều, khiến những phiên bản thuần túy như vậy trở nên ít cần thiết hơn. Giao diện có thể tùy chỉnh đủ để bạn có thể loại bỏ nhiều phần không cần thiết. Và những giao diện đó đã trở nên khá tốt trong những năm qua, nhiều người thực sự thích các tính năng mà chúng mang lại.
Đối với hỗ trợ phần mềm, việc nhận được 2 bản cập nhật hệ điều hành trên điện thoại tầm trung ngày nay không phải là điều quá bất thường, một số dòng máy thậm chí còn nhận được 3 bản cập nhật. Và thêm một năm các bản vá bảo mật. Điều này cũng là nhờ Google thực hiện những thay đổi nội bộ lớn đối với Android để làm cho việc phát triển và triển khai phiên bản mới trở nên đơn giản hơn.
Android sẽ không bao giờ giống iOS, khi một công ty kiểm soát mọi thứ về phần cứng và phần mềm. Đó có thể là điểm yếu, nhưng cũng có thể chính là điểm mạnh của Android.
Tham khảo: GSMArena
Theo Ryankog (Pháp Luật & Bạn Đọc)