Sau khi Apple chặn SIM ghép, người dùng đành "bỏ xó" iPhone khóa mạng vì những rắc rối mà nó mang lại.
Nửa cuối năm 2017, iPhone khóa mạng được rất nhiều người săn đón bởi mức giá rẻ hơn từ 2-3 triệu đồng so với hàng quốc tế cũ cùng loại. Khi đó, người dùng chỉ cần bỏ thêm khoảng 150.000 đồng mua SIM ghép "thần thánh" để có thể sử dụng chúng như máy quốc tế và không gặp bất cứ vấn đề gì.
Theo anh Quang Trung, đại diện một hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, "lúc cao điểm, cửa hàng còn không đủ số lượng để cung cấp cho khách". Thậm chí, có những khoảng thời gian, iPhone khóa mạng đã trở thành nguồn doanh thu chính của cửa hàng.
Anh cho biết thêm, iPhone 6 và 6S khóa mạng là 2 dòng sản phẩm bán chạy nhất bởi mức giá tốt so với hiệu năng đem lại.
Tuy nhiên, không lâu sau, Apple đã liên tục chặn những chiếc SIM ghép khiến máy không thể kích hoạt để sử dụng như trước. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Apple đã chặn 6 phiên bản SIM ghép khác nhau.
Người dùng cũng không thể nâng cấp phần mềm, tháo SIM hay cài lại cài đặt gốc nếu không muốn biến chiếc iPhone đang sử dụng trở thành "cục gạch". Cửa hàng cũng chỉ có thể hỗ trợ người dùng nâng cấp SIM ghép miễn phí, ngoài ra không có cách nào khắc phục triệt để các lỗi phát sinh.
Chủ nhân của những chiếc iPhone khóa mạng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi bị rơi vào tình huống éo le dùng cũng không được mà bán đi chẳng ai mua.
Anh Nguyễn Nhật Anh, sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ "nửa năm trước thấy nhiều người dùng máy khóa mạng không gặp vấn đề gì mà lại có thể tiết kiệm được gần 2 triệu nên mình cũng mua một chiếc iPhone 6S về dùng".
Anh cho biết thời gian đầu máy sử dụng cũng rất tốt. Nhưng sau khi SIM ghép bị chặn, iPhone của anh gần như không thể sử dụng ổn định như trước. Anh liên tục nhận tin ghép bị chặn và phải chờ sự hỗ trợ từ cửa hàng để sửa lỗi, tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Vì quá chán với cảnh suốt ngày phải chờ sửa lỗi nên anh đã cố gắng bán lại cho người khác. Dù rao bán với mức giá rất rẻ nhưng cũng không ai dám mua vì ngại gặp phải những rắc rối khi sử dụng.
"Mình phải mua tạm một chiếc điện thoại "cục gạch" khác để nghe gọi. Còn chiếc iPhone 6S khóa mạng dùng lướt web hoặc xem phim ở nhà vì giờ bán cũng không ai mua", anh cho biết thêm.
iPhone khóa mạng thực sự đã gây ra không ít rắc rối cho người dùng. Dù ban đầu có thể tiết kiệm được một khoản tiền nhưng với những trải nghiệm tồi tệ mà máy mang lại thì điều đó hoàn toàn không xứng đáng.
Anh Bùi Đức Thanh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ "cũng khá tiếc khi chiếc iPhone 6S Plus khóa mạng mà mình mua cách đây 1 năm không dùng được nữa. Nhưng bản thân mình cũng xác định trước sẽ có ngày này rồi nên coi như đây là bài học, không ham của rẻ mà rước phiền phức vào thân".
Hiện tại, mức giá của iPhone khóa mạng đã giảm kịch sàn. Thậm chí, iPhone 6 khóa mạng chỉ có giá hơn 2 triệu đồng cho bản 16 GB, giảm gần nửa giá so với cách đây 4 tháng. iPhone 7 Plus bản khóa mạng cũng giảm mạnh chỉ còn hơn 7 triệu đồng.
Tuy nhiên, loại hàng này không còn sức hấp dẫn như trước mà thay vào đó, người dùng đã chuyển hướng sang lựa chọn máy quốc tế dù có mức giá cao hơn nhưng yên tâm hơn khi sử dụng.
Anh Quang Trung cho hay các cửa hàng bên anh đã ngừng kinh doanh mặt hàng iPhone khóa mạng cách đây nửa năm khi SIM ghép bắt đầu có dấu hiệu liên tục bị chặn.
Có thể thấy, cả người bán và người mua đều tỏ ra mệt mỏi, mất niềm tin với những chiếc iPhone khóa mạng. Yếu tố “rẻ” trên sản phẩm này hiện không còn xứng đáng để đánh đổi lấy sự “ngon, bổ” mà là sự phức tạp và cảm giác thiếu tin tưởng khi sử dụng.
Theo Thế Anh (Tri Thức Trực Tuyến)