iPhone lock là gì?
Trên thị trường di động Việt, iPhone hiện được chia thành 2 dòng máy chính là iPhone bản quốc tế (iPhone QT) và iPhone bản khóa mạng (iPhone lock).
Về mặt hình thức, hai dòng máy này không có gì khác biệt. Tuy nhiên, iPhone QT có thể dùng với SIM của mọi nhà mạng. Trong khi đó, những chiếc iPhone lock bị giới hạn chỉ với SIM của một nhà mạng duy nhất.
Tại một số quốc gia phát triển, iPhone lock được bán kèm với hợp đồng nhà mạng, người dùng thậm chí không phải bỏ tiền mua máy. Đổi lại, họ phải cam kết sử dụng dịch vụ của chính nhà mạng đó cung cấp.
Do vòng đời sản phẩm ngắn, những chiếc iPhone nhanh chóng bị thải loại chỉ sau một vài năm. Chúng được các đầu nậu thu gom và đưa về những thị trường dễ tính như Việt Nam để tiêu thụ dưới dạng hàng lock.
Để hoạt động được, iPhone lock phải đi cùng với SIM ghép. Sim ghép (Gevey sim) là một vi mạch nhỏ gắn chung với các thẻ sim để mở khóa mạng cho các dòng máy iPhone Lock. Hiện có 2 loại SIM ghép chính là SIM ghép 3G và SIM ghép 4G.
Giá của dòng sim ghép này khá rẻ, cách thức vận hành cũng tương đối đơn giản. Đổi lại, người dùng phải làm quen với các lỗi như đầu số +84, kiểm tra tài khoản, chuyển vùng dữ liệu… Các lỗi này thường thấy trên iPhone Lock của nhà mạng Sprint. Với những nhà mạng khác, việc fix lỗi tương đối dễ dàng.
Từ món hàng hot đến cái tên bị ghẻ lạnh
Dù gặp phải một số phiền toái nhất định, iPhone lock vẫn rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Lợi thế của dòng máy này đến từ mức giá rất rẻ. Để sở hữu một chiếc iPhone lock, người mua chỉ cần bỏ số tiền bằng 2/3, thậm chí bằng một nửa so với những chiếc iPhone quốc tế thông thường.
Từng làm mưa làm gió tại Việt Nam, thế nhưng vị thế của ngành hàng này đã thay đổi sau biến cố iPhone lock đột tử hàng loạt hồi tháng 10/2017. Đó là khi nhiều dùng đồng loạt phản ánh iPhone lock bị khóa không rõ nguyên do.
Sau khi tháo SIM hoặc reset lại máy, những chiếc điện thoại bị rơi vào trạng thái chưa active. Hiện tượng này xảy ra cùng lúc với nhiều dòng iPhone lock ở đủ các thời kỳ. Kể từ đó đến nay, hiện tượng này xảy ra một cách thường xuyên và liên tục.
Sự cố trên có nguyên nhân sâu xa bởi việc xiết chặt chính sách đối với máy khóa mạng từ chính Apple. Sau mỗi lần như vậy, SIM ghép phiên bản mới sẽ xuất hiện chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Thế nhưng, ko thể phủ nhận một thực tế là Apple lấp lỗ hổng ngày càng nhanh hơn, vòng đời của những chiếc SIM ghép ngày càng thu ngắn lại. Mới đây nhất, bản SIM ghép thứ 6 cũng đã bó tay bất lực.
Mỗi chiếc SIM ghép có giá trung bình khoảng 150.000 đồng. Việc phải mua SIM ghép bản mới liên tục khiến chi phí đội lên ngày càng lớn, chưa kể sự khó chịu và bất tiện trong quá trình sử dụng. Điều này khiến người dùng cảm thấy thực sự mệt mỏi. Nhiều người tỏ ra hoang mang khi không biết chiếc iPhone của họ liệu sẽ “lăn đùng” ra lúc nào.
Nhiều ý kiến hô hào tẩy chay iPhone lock đã bắt đầu xuất hiện trên các hội nhóm về công nghệ. Có thể nói, số phận những chiếc iPhone lock tại Việt Nam chưa khi nào mong manh hơn lúc này.
Theo Trọng Đạt (VietNamNet)