Thợ điện lâu nay phải trả lời vô số thắc mắc từ khách thông qua điện thoại và ứng dụng nhắn tin. Đôi khi phải mất cả ngày đi đến khách hàng tiềm năng để nhận được việc.
Nhưng tất cả đã thay đổi. Trợ lý cá nhân sẽ giúp trả lời thắc mắc từ khách cũng như đảm nhiệm vài công việc khác, đem lại cho thợ điện nhiều thời gian hơn để thực hiện công việc chính: sửa chữa và lắp đặt thiết bị điện.
Trợ thủ đắc lực như vậy không phải người được tuyển dụng mà là ChatGPT. Đồng sáng lập công ty cung cấp dịch vụ sửa chữa điện Singapore Repairs.sg Zames Chew là một trong số hơn 100 triệu người dùng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) này.
Chew cùng đội ngũ của mình nhận thấy nhiều khách hỏi cùng một câu, chẳng hạn “lớp nhựa ổ cắm của tôi bị chảy, tôi phải làm sao?”, nên quyết định tìm cách giải đáp thắc mắc tốt hơn. Vậy là tháng 3 vừa qua, Repairs.sg ra mắt Repairs AI dựa trên mô hình ngôn ngữ của ChatGPT trên trang web công ty.
Repairs AI cung cấp những câu trả lời đơn giản ngắn gọn, thậm chí báo giá nếu khách chọn dùng dịch vụ. Chỉ vài ngày đầu, nền tảng đã trả lời hơn 500 câu hỏi.
Chew còn giao cho Repairs AI công việc khác như viết đề xuất sửa chữa/lắp đặt cho khách, phân tách tài liệu dài thành hóa đơn, báo cáo…
“Tất cả những công việc này đều là việc thường xuyên lặp đi lặp lại. Ngoài ra viết đề xuất hay phân tách tài liệu dài không phải thế mạnh của chúng tôi, lại làm mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi thấy ChatGPT trong vài tháng thử nghiệm có thể thực hiện công việc với độ chính xác cao nên quyết định sử dụng”, Chew chia sẻ.
Anh nói thêm: “Nó không chỉ thay thế bất cứ việc gì chúng tôi đang làm mà còn giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, cho phép chúng tôi dành thời gian ít hơn cho việc chúng tôi không muốn làm, có nhiều thời gian hơn cho việc mà chúng tôi giỏi”. Nhờ nền tảng này mà công ty phản hồi khách hàng và nhận công việc nhanh hơn.
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Singapore Inch Chua cũng được hưởng lợi ích tương tự khi sử dụng ChatGPT. Cô thậm chí còn đăng ký dùng ChatGPT+ với mức phí 20 USD/tháng.
Chua mô tả ChatGPT là trợ lý tuyệt vời cho nhiều nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ, chẳng hạn như lên khung nội dung, hiệu đính và cung cấp giải thích. Cụ thể nền tảng AI giúp cô soạn thảo email, đưa ra gợi ý sáng tác, kiểm tra lại ngữ pháp cùng cấu trúc câu.
Nữ nhạc sĩ so sánh ChatGPT với Google: “Đôi lúc lười đọc sách thì tôi nhờ ChatGPT đọc cho. Nếu tôi nhớ đang đọc nội dung nào đó thì tôi nhờ ChatGPT hiển thị mọi chương liên quan. Nền tảng ChatGPT tốt hơn Google ở khía cạnh này”.
Nghi ngờ, lo ngại AI
Song song với nỗ lực sử dụng rộng rãi AI là những cố gắng ngăn chặn công nghệ này. Không ít người nói về AI như điềm báo cho tương lai đen tối, một số khác còn cảnh báo AI sẽ cướp mất việc làm của con người.
Cô Chua đánh giá nỗi sợ về thứ chưa biết rõ là điều dễ hiểu, nhưng rất không phù hợp với tình hình công nghệ hiện tại. Cô chia sẻ: “AI sẽ không mất đi. Bạn không cần trở thành nghệ sĩ AI, nhưng cũng chẳng phải sợ hãi. Hãy chơi với nó, sau đó bạn sẽ hiểu điểm yếu của AI và điểm mạnh của bạn”.
Tiến sĩ Mikhail Filippov (Đại học quốc gia Singapore) cũng nhận định việc nhìn thấy thứ gì đó thay đổi thế giới mà không hiểu biết đủ về nó dễ dẫn đến phản ứng ban đầu là lo ngại: “Tôi nghĩ chúng ta cần sử dụng ChatGPT. Như vậy nền tảng này không còn xa lạ với chúng ta nữa”.
Theo ông, nhiều lo ngại về AI không dựa trên cơ sở công nghệ mà dựa trên quan điểm của con người.
“Trong thời gian dài, chúng ta gắn liền vị thế và công việc với bản sắc. Chúng ta định nghĩa bản thân qua công việc. Nhiều người trong chúng ta không thích công việc, nhưng dù thích hay không thì chúng vẫn là một phần của bản sắc chúng ta. Giờ đây công việc của tôi có thể được thực hiện bằng máy, vậy tôi phải làm gì? Đây là một thách thức về tinh thần, một thử thách về triết lý sống”, tiến sĩ Filippov giải thích.
Với tư cách một giáo sư, tiến sĩ Filippov ủng hộ phổ cập ChatGPT rộng rãi cho sinh viên. Giảng viên cũng phải chuyển từ “truyền đạt” sang “chọn lọc và sắp xếp” thông tin cho sinh viên.
Theo Cẩm Bình (1thegioi.vn)