Hội chứng sợ phải gọi hoặc nói chuyện qua điện thoại (telephonophobia, telephobia) là một nỗi sợ hãi của việc thực hiện hoặc tham gia các cuộc gọi điện thoại, nghĩa đen là "sợ điện thoại". Nó được coi là một loại ám ảnh xã hội hoặc lo lắng xã hội.
Người mắc hội chứng này sợ nghe điện thoại bất kể là cuộc gọi bất ngờ từ người lạ hay kể cả bạn bè, người thân. Theo các nhà tâm lý học, đây là triệu chứng điển hình của chứng sợ gọi và nghe điện thoại đang trở nên phổ biến trên khắp thế giới.
Theo thống kê của trang thông tin Bank my cell (Mỹ) cho thấy 74% người trẻ chọn nhắn tin là phương thức được sử dụng nhiều nhất; 75% tránh né các cuộc gọi điện thoại vì chúng tốn thời gian và có đến 81% nói sợ hãi nếu phải thực hiện một cuộc gọi.
Tại Việt Nam, không ít người trẻ hiện nay cũng cho biết mình không thường xuyên gọi điện. Nếu có thể trao đổi qua tin nhắn thì gần như sẽ không bao giờ gọi điện. Họ thường xuyên cài điện thoại ở chế độ Im lặng để tránh nghe phải những tiếng chuông cuộc gọi bất ngờ.
Khi phải nghe tiếng chuông từ một cuộc điện thoại bất ngờ, họ cảm giác tim đập nhanh, cơ thể toát mô hôi và lập tức rơi vào trạng thái hốt hoảng, hồi hộp. Không chỉ vậy, khi nhận được yêu cầu "Hãy gọi cho tôi" từ một ai đó, những người này thậm chí phải lập sẵn một kịch bản để nói chuyện cho trôi chảy. Thậm chí, khi nghe điện thoại của shipper giao hàng đã được đặt trước, những người mắc này cũng rơi vào trạng thái lo lắng, bất an.
Họ có rất nhiều ứng dụng nhắn tin: Messenger, Zalo, Telegram... và hiểu rõ từng quy tắc, ý nghĩa của biểu tượng cảm xúc, stickers... trong các ứng dụng này. Mặc dù các ứng dụng này cũng có tính năng gọi điện nhưng họ gần như không mấy khi sử dụng.
Trong khi đó, một số người khác thì cho biết họ gặp không ít phiền phức với các cuộc gọi từ số lạ. Thùy Lan (24 tuổi) đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết: "Mình dần sợ nghe điện thoại, nhất là số máy lạ khi liên tục gặp phải cuộc gọi quảng cáo, mời vay tiền, mời đi xem đất. Thậm chí là các cuộc gọi lừa đảo: báo phạt vi phạm giao thông, cắt sim..."
Việc lạm dụng các ứng dụng nhắn tin cũng có thể chính là thủ phạm khiến nhiều người không còn nhu cầu nói chuyện với người khác. Các cuộc thảo luận trên mạng Internet chứa đầy những bình luận cho thấy rất nhiều người gặp khó khi nói chuyện điện thoại.
Theo phóng sự "Hội chứng sợ nghe điện thoại ở người trẻ" của VTV, PGS.TS Trần Thu Hương - Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Điều này sẽ giảm đi được sự đánh giá từ phía người tương tác với mình. Tuy nhiên, nó sẽ không hiệu quả khi bạn phải xử lí một công việc hay nhiệm vụ nào đó. Khi mà chúng ta lựa chọn cách biểu đạt che giấu được danh tính của mình thì nó sẽ phản ánh sự thiếu tự tin hay thiếu định hướng của cả một thế hệ.
Một trong những cách hiệu quả để vượt qua nỗi sợ điện thoại là hãy để bản thân tiếp xúc với nhiều cuộc gọi hơn. Nếu hội chứng này kéo dài không chỉ gây bất tiện trong công việc, mà còn khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Và đặc biệt nguy hiểm hơn khi nó là tiền đề cho chứng rối loạn lo âu xã hội. Khi trạng thái lo lắng và sợ hãi nằm ngoài tầm kiểm soát của người bệnh".
Theo KenTTT (Phụ Nữ Mới)