Cụ thể, Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã đề cập tới "những vấn đề nghiêm trọng" liên quan tới việc thu thập dữ liệu cá nhân trái phép của Didi Chuxing. Ngoài ra họ cũng chỉ đạo cho Didi Chuxing phải ngay lập tức giải quyết các vấn đề này để "đảm bảo an toàn thông tin cá nhân cho người dùng".
Lệnh mới nhất của Bắc Kinh tới chỉ 2 ngày sau khi các nhà chức trách cấm Didi Chuxing bổ sung thêm người dùng mới khi các nhà chức trách đang xem xét hoạt động bảo mật của công ty.
Động thái này cũng đến 1 ngày sau khi Phó chủ tịch Didi là Li Min lên mạng xã hội và phản bác lời cáo buộc rằng Didi lưu trữ dữ liệu người dùng ở Mỹ.
Trong một bài đăng trên nền tảng Weibo, Li đã đe dọa sẽ kiện bất kỳ ai nói rằng công ty chuyển dữ liệu trong nước ra nước ngoài. "Giống như nhiều công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài, Didi đều lưu trữ dữ liệu người dùng ở Trung Quốc. Tuyệt đối không thể chuyển dữ liệu sang Mỹ".
Didi nói trong tuyên bố vào ngày Chủ nhật rằng những người dùng hiện tại đã tải ứng dụng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc này.
"Chúng tôi thành thật cảm ơn các cơ quan chức năng vì đã chỉ dẫn cho Didi để xem xét lại những rủi ro. Công ty cũng cam kết 'sửa chữa chu toàn' cho các vấn đề này".
Trước đó, một thông báo trên ứng dụng của Didi vào ngày 29/6 - 1 ngày sau khi IPO tại Mỹ nói về những thay đổi mới với thông tin người dùng và chính sách dữ liệu cá nhân sẽ có hiệu lực từ 7/7.
Didi gần như độc quyền tại thị trường gọi xe ở Trung Quốc và thu thập hàng loạt dữ liệu từ người dùng - nhằm phục vụ phân tích thói quen giao thông và phát triển các công nghệ gồm xe tự lái.
CAC hiện chưa nói chi tiết những vi phạm về quyền truy cập dữ liệu người dùng của Didi cũng như Didi sẽ phải giải quyết vấn đề trong bao lâu hoặc khi nào ứng dụng của Didi có thể xuất hiện trở lại trên các kho ứng dụng.
Tuy nhiên theo các điều luật được áp dụng kể từ năm ngoái với những trường hợp tương tự, kết quả ban đầu sẽ được xem xét trong 45 ngày, tùy độ phức tạp của vụ việc.
Lệnh ngày hôm chủ nhật là động thái mới nhất trong chuỗi các hành động của cơ quan chức năng nhằm kiềm chế các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc - những doanh nghiệp vốn đã trở thành trung tâm của cuộc sống hàng ngày cho hơn một tỷ người. Điều này cũng để nhằm khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát nhiều hơn đối với dữ liệu mà các công ty này nắm giữ. Trung Quốc đã chuyển từ một trong những chế độ kiểm soát dữ liệu lỏng lẻo nhất trên thế giới sang một trong những chế độ dữ liệu được quy định chặt chẽ nhất thế giới, bắt đầu với luật an ninh mạng vào năm 2017, thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh đối với các luồng dữ liệu.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã soạn thảo một số luật để điều chỉnh thực tiễn thu thập dữ liệu của các công ty công nghệ và sử dụng dữ liệu cá nhân, cũng như hạn chế các hoạt động chống cạnh tranh. Didi nằm trong số 34 công ty công nghệ bị cơ quan chống độc quyền Trung Quốc triệu tập vào tháng 4. Kể từ đó, các cơ quan quản lý đã tiến hành kiểm tra tại chỗ Didi.
Đến đầu tháng 6, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã thông qua luật bảo mật dữ liệu đưa ra các quy tắc về cách dữ liệu khách hàng được sử dụng, thu thập, phát triển và bảo vệ, đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý liên quan tới quản lý dữ liệu từ các công ty công nghệ.
Những hành động gần đây của CAC đối với Didi "cho thấy các cơ quan quản lý Trung Quốc thực sự nghiêm túc về các vấn đề bảo vệ dữ liệu", Martin Chorzempa, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.
"Tuy nhiên, việc vẫn để các khách hàng hiện tại của Didi không bị ảnh hưởng cũng cho thấy các cơ quan quản lý đang muốn đưa ra lời cảnh báo hơn là hủy hoại hoạt động kinh doanh của Didi theo những cách cụ thể", ông Chorzempa nói thêm.
Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều tín hiệu đáng lo ngại với Didi. Các thông báo đến chỉ vài ngày sau khi Didi huy động được khoảng 4,4 tỷ USD sau khi IPO tại Mỹ. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý không chỉ đơn giản là đưa ra tuyên bố chung về bảo vệ dữ liệu mà nhắm mục tiêu cụ thể vào Didi.
Kendra Schaefer, người đứng đầu chính sách công nghệ tại Trivium China, một công ty tư vấn cho biết: "Các cơ quan quản lý đang muốn nói rõ với các công ty công nghệ Trung Quốc rằng họ có thể IPO bất cứ nơi nào họ muốn, miễn là 'ngôi nhà' của họ phải ở Trung Quốc và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định trong nước". Việc cấm Didi nhận thêm người dùng mới về cơ bản đóng băng hoạt động kinh doanh chính của công ty này ở Trung Quốc và khiến họ không thể phát triển. Hơn 2/3 trong số khoảng nửa tỷ người dùng toàn cầu của Didi đang ở Trung Quốc.
Nguồn: WSJ
Theo Vân Đàm (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)