Gần đây, cộng đồng người dùng Facebook chấn động trước thông tin ứng dụng này đã cho phép công ty nghiên cứu Cambridge Analytica thông qua ứng dụng có tên “thisisyourdigitallife”, lấy đi thông tin của 50 triệu tài khoản người dùng Mỹ, một cách bất hợp pháp để phục vụ cho những mục đích phía sau. Tin tức này không chỉ khiến người dùng mạng xã hội ở Mỹ mà trên thế giới đánh mất niềm tin vào Facebook, thậm chí còn lên tiếng kêu gọi tẩy chay đứa con tinh thần của Mark Zuckerberg.
Nếu vẫn còn yêu thích và muốn tiếp tục sử dụng Facebook một cách an toàn, bạn hãy nhanh chóng thực hiện những thao tác sau để đảm bảo thông tin cá nhân của bản thân được bảo mật tuyệt đối.
Thay đổi cài đặt bảo mật
Trong trường hợp bạn chỉ muốn chia sẻ bài đăng cũng như thông tin cá nhân với một nhóm người gồm gia đình, bạn bè thì hãy nhanh chóng thay đổi cài đặt để đảm bảo chúng không bị công khai với tất cả mọi người. Bởi nếu giữ nguyên cài đặt cơ bản của Facebook, nhiều khả năng các thông tin của bạn sẽ bị lan truyền trên mạng, thậm chí đến những người chẳng hề liên quan vẫn có thể thấy được.
Kiểm tra các ứng dụng
Trong menu cài đặt của Facebook, bạn có thể kiểm tra danh sách các ứng dụng online có liên kết với tài khoản Facebook trong mục Ứng dụng. Nếu tìm thấy một ứng dụng nào đó là lâu lắm rồi bạn không động đến hoặc chẳng còn nhớ mục đích sử dụng ứng dụng là gì thì hãy mạnh dạn mà xoá nó đi.
Cũng trong mục Ứng dụng, bạn có thể kiểm tra các loại dữ liệu mà ứng dụng đang khai thác. Hãy cẩn thận với một vài ứng dụng lấy đi thông tin cá nhân của bạn nhiều quá mức quy định.
Xoá lịch sử lướt web
Các trang web hay ứng dụng thường để lại một đoạn văn bản ghi thông tin được tạo ra và lưu trên trình duyệt của máy (còn được gọi là cookies) và lợi dụng chúng để theo dõi hành vi và thói quen của người dùng. Thế nên, tốt nhất chúng ta nên đều đặn xoá lịch sử duyệt web, trong đó có cookies và caches (bộ nhớ đệm chứa dữ liệu), để đảm bảo thông tin cá nhân không bị các bên khác thu thập.
Không đăng nhập/đăng ký ứng dụng bằng Facebook
Ngày nay, để tiết kiệm thời gian cũng như đơn giản hoá việc đăng ký/đăng nhập, rất nhiều ứng dụng đã kết hợp với Facebook và cho phép người dùng đăng ký/đăng nhập thông qua Facebook. Nhưng đây cũng chính là phương thức ngầm giúp ứng dụng này chia sẻ dữ liệu với Facebook. Trong trường hợp bạn không muốn thông tin cá nhân của mình bị bên thứ 3 truy cập, bạn tốt nhất nên chịu khó tạo tài khoản mới, riêng biệt cho từng ứng dụng.
Khoá chức năng chia sẻ thông tin của tài khoản
Nên biết rằng, “thisisyourdigitallife” không phải là ứng dụng duy nhất trên Facebook có khả năng thu thập thông tin người dùng thông qua bạn bè của họ. Để ngăn chặn Facebook tiết lộ những thông tin này, bạn hãy vào Cài đặt ứng dụng (Apps settings) và hạn chế việc chia sẻ thông tin tại mục Ứng dụng người khác dùng (Apps others use).
Ngoài ra, nếu muốn đảm bảo các thông tin của bạn biến mất vĩnh viễn và không còn phải lo sợ về việc bị đánh cắp dữ liệu người dùng, bạn có thể thẳng tay xoá tài khoản Facebook. Lưu ý, bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định khai trừ tài khoản Facebook bởi một khi đã bị xoá thì đến cả Mark Zuckerberg cũng không thể giúp bạn lấy lại tài khoản ấy.
Theo Imacho (Helino)