Video: 5 điều cần biết về vụ scandal ồn ào của Facebook
Sau phát ngôn được xem là “chưa thành khẩn” trên trang Facebook cá nhân, Mark Zuckerberg đã trả lời các báo lớn như CNN, New York Times để chính thức đưa ra lời xin lỗi. Theo CNN, đây là lần đầu tiên Mark phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn như vậy sau 14 năm ông sáng lập mạng xã hội này.
Giờ đây, vấn đề người ta nghĩ đến không phải việc Facebook khắc phục hậu quả ra sao mà là, khi nào Mark Zuckerberg lại tiếp tục trở thành tâm điểm của làn sóng chỉ trích tiếp theo.
Khi nào Facebook hết tin tức giả mạo? Một vụ để lộ dữ liệu người dùng khác có xảy ra hay không? Chính ông thừa nhận ra, kiểm soát hoàn toàn vấn đề là điều không thể.
Hãy xem CEO Facebook nói gì: “Chúng tôi phục vụ một cộng đồng hơn 2 tỷ người. Và khi bạn cung cấp cho ai đó công cụ để chia sẻ và kết nối, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều câu chuyện tốt xảy ra và không may, kèm theo đó là cả những câu chuyện xấu - có thể là tin tức giả mạo, phát ngôn gây hận thù hay người ta tìm cách làm tổn thương nhau.
Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo rằng mọi thông điệp tốt phải được truyền đi. Nhưng cũng có những kẻ xấu ngoài kia đang cố tình lợi dụng để xâm phạm bảo mật của người dùng hoặc đưa các nội dung vi phạm tiêu chuẩn của cộng đồng”.
Trong phát biểu này, có 2 Mark Zuckerberg tồn tại. Một Zuckerberg là người quản lý thương hiệu - người hiểu rõ anh ta là thuyền trưởng của một con tàu lênh đênh giữa các con sóng lớn và chưa thấy đất liền. Một Zuckerberg khác rất bình thường, hiểu rằng thay đổi bản chất con người, dù trên web hay đời sống thực, là không thể.
Do đó, một mặt ông nhấn mạnh “chúng ta phải làm cho những kẻ xấu không thể lan truyền tin tức giả mạo”. Chỉ vài phút sau, ông thừa nhận “với một cộng đồng 2 tỷ người, tôi không thể hứa rằng sẽ phát hiện ra mọi thứ”.
Thực tế, điểm mạnh nhất của Facebook cũng là điểm yếu nhất của họ: Facebook quá khổng lồ. Họ sở hữu hơn 2 tỷ người dùng, gần 1/3 dân số trên toàn Trái Đất. Ở nhiều nơi, nó là một phần trong cuộc sống của nhiều người.
Chính vì vậy, bản thân các nhà lãnh đạo không kiểm soát hết được nó. Mark Zuckerberg tiết lộ họ sẽ tăng gấp đôi nhân sự chỉ dành cho việc bảo mật - từ 15.000 lên 28.000 - cho đến cuối năm 2018. Đây là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, nó đồng nghĩa mỗi nhân viên bảo mật có trách nhiệm giám sát gần 71.000 người dùng Facebook.
Vị tỷ phú này hiểu được - có lẽ hơn bất cứ ai trên hành tinh này - họ chưa giải quyết tận gốc rễ các vấn đề đã phát sinh, chưa nói đến ngăn chặn sự cố mới. Ngay cả khi ông tuyên bố những “thành tích” như sử dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo để ngăn chặn tin tức giả mão trong cuộc bầu cử đặc biệt tại Alabama, Mark Zuckerberg thừa nhận rằng không có thứ gì là an toàn, khi bạn giải quyết sự cố với quy mô như của Facebook.
“Tôi chắc chắn có ai đó sẽ cố gắng thử”, ông nói về việc có kẻ xấu muốn can dự vào một cuộc bầu cử nào đó. “Sẽ có phiên bản 2, phiên bản 3 giống như cách Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Sẽ có những chiến thuật mới mà chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi biết được và đi trước cả họ”.
Khi được hỏi về việc “đi trước những kẻ xấu như thế nào”, Mark tỏ ra kém tự tin hơn rất nhiều. “Tôi nghĩ chúng tôi có một vài biện pháp”.
Sự thật là CEO Facebook chỉ có thể hứa sẽ làm hết sức mình, chứ không thể đảm bảo không để thứ gì bất thường xảy ra. Không thứ gì có thể kiểm soát hiệu quả một cộng đồng với 2 tỷ người, nhất là khi cộng đồng đó tồn tại trực tuyến.
Sẽ có những kẻ gây ra chuyện trên Facebook. Có thể hướng tiếp cận của họ sẽ khác với Nga, khác với Cambridge Anylatica. Hậu quả có thể lớn, có thể nhỏ hơn nhưng chắc chắn chúng luôn tồn tại.
Mark Zuckerberg tạo ra Facebook nhưng ông không thể kiểm soát cách người dùng sử dụng nó.
“Bảo mật là vấn đề bạn luôn phải giải quyết”, ông nói với CNN. “Chúng tôi sẽ phải làm việc mãi mãi với vấn đề này, chừng nào cộng đồng Facebook vẫn là thứ gì đó quan trọng với thế giới này”.
Theo Thành Duy (Tri Thức Trực Tuyến)