Nhiều tháng nay xuất hiện thông tin cho rằng cơ quan quản lý đã để mắt tới sự thống trị ngày càng gia tăng của Meta trên thị trường tiêu dùng thực tế ảo (VR).
“Meta trong những năm gần đây đã đặt mục tiêu xây dựng và hướng tới kiểm soát hoàn toàn vũ trụ ảo VR”, trích đơn khiếu nại của FTC.
Theo lập luận của cơ quan quản lý, Meta coi lĩnh vực luyện tập thể thao là “con át chủ bài” để thống trị thị trường VR, còn Within là đối thủ ngáng đường với Beat Saber, một studio VR khác mà công ty mẹ của Facebook đã thâu tóm vào năm 2019. Do đó, khi Meta mua lại Supernatural đồng nghĩa với việc sở hữu 2 nhà sản xuất ứng dụng VR chủ chốt của thị trường, từ đó loại bỏ sự cạnh tranh giữa 2 ứng dụng.
Cũng trong đơn khiếu nại, Meta được xác định “là công ty chính trong từng cấp độ của hệ sinh thái VR: từ phần cứng với thiết bị đeo Meta Quest 2, phân phối ứng dụng với Quest Store cho tới các ứng dụng như Beat Saber”.
“CEO Zuckerberg từng thể hiện rõ khao khát kiểm soát toàn bộ hệ sinh thái trong không gian VR. Ngay từ năm 2015, CEO này đã chỉ thị cho các giám đốc điều hành chủ chốt của Facebook phải kiểm soát các ứng dụng và nền tảng các ứng dụng đó được phân phối. Điều này được nói rõ trong 1 email nội bộ, khẳng định một phần trong chiến lược của công ty là thâu tóm hoàn toàn các ứng dụng chủ chốt”, đơn khiếu nại cho hay.
Meta đã bác bỏ các tuyên bố trên của FTC.
“Trường hợp FTC đưa ra là dựa trên ý thức hệ và suy đoán, không phải bằng chứng rõ ràng. Lập luận cho rằng thương vụ mua lại làm giảm sự cạnh tranh trong một không gian năng động, có sự tham gia của nhiều bên và nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng như luyện tập thể thao trực tuyến là không đáng tin cậy”, người phát ngôn Meta Stephen Peters nói.
“Bằng việc tấn công thoả thuận mua lại, FTC đang gửi thông điệp đe doạ tới bất kỳ công ty nào muốn đổi mới trong VR. Chúng tôi tin rằng việc mua lại Within sẽ tốt cho tất cả mọi người, các nhà phát triển cũng như không gian VR nói chung”, theo Meta.
Theo Vinh Ngô (VietNamNet)