Web 3.0 là gì và tại sao chúng ta cần nó?
Để hiểu tường tận Web 3.0 là gì, chúng ta cần ngược dòng thời gian.
Phiên bản gốc của Internet, hay còn gọi là Web 1.0, rất đơn giản. Nó là tập hợp các trang web tĩnh, chỉ cho phép người dùng tìm kiếm đơn giản và đọc thông tin trên đó. Những thứ chúng ta đang có bây giờ (Facebook, Youtube, Google,...) không hề tồn tại, càng không có hy vọng tạo ra tiền hoặc thu hút sự nổi tiếng qua những bài đăng.
Sau đó, phiên bản Internet hiện tại Web 2.0 ra đời. Nó là tập hợp các thay đổi về công nghệ và quy định mới dẫn đến màn lột xác Internet ngoạn mục vào đầu những năm 2000. Một loạt các trang web và blog nhỏ được tạo ra, người dùng có thể truy cập thông tin trên đó cũng như tương tác với nhau. Tuy nhiên, mặt bất lợi của cảnh cổng mở này là sự phụ thuộc vào hệ thống máy chủ của Web và blog.
Nếu chẳng may hệ thống đó ngừng hoạt động, bạn không thể truy cập nội dung hoặc kết nối với những người dùng khác. Ngoài ra, nó còn tạo cơ hội cho những công ty công nghệ như Facebook, Google,... thu thập thông tin người dùng.
Thông qua vụ kiện Facebook, ta thấy rõ mặt yếu của Web 2.0, nó tạo điều kiện cho Facebook trở thành nơi ươm mầm cho các âm mưu bầu cử phổ biến, thông tin COVID-19 sai lệch cũng như cầu nối liên lạc giữa những kẻ buôn người và khủng bố.
Nhận thấy yếu điểm đó, Hiệp hội World Wide Web nghiên cứu thế hệ tiếp theo của Internet, Web 3.0 chú trọng vào cách chúng ta kết nối và giao tiếp trong môi trường trực tuyến. Nó ra đời để khắc phục những yếu điểm của hai phiên bản tiền nhiệm thông qua việc tạo ra một mạng Internet phi tập trung, nơi người dùng tự do truy cập đồng thời được tôn trọng quyền riêng tư và ẩn danh.
Quyền riêng tư và ẩn danh ngày càng được quan tâm khi nhiều vụ bê bối lấy cắp thông tin xảy ra. Nhiều người dùng thậm chí loại bỏ hoàn toàn Google, Facebook và Apple ra khỏi cuộc sống, cố gắng tìm những công cụ thay thế an toàn hơn.
Làm cách nào Web 3.0 đưa chúng ta đến mạng internet bình đẳng, cởi mở hơn?
Giống như hầu hết các xu hướng điện toán ngày nay, phần lớn công nghệ nền tảng của Web 3.0 dựa trên chuỗi blockchain. Về cơ bản, blockchain là một mạng phi tập trung được xây dựng trên các kết nối ngang hàng. Mỗi thiết bị tham gia vào mạng lưới xử lý một phần nhỏ tính toán cũng như giao tiếp trên Internet, từ đó tạo ra mạng lưới kết nối trực tuyến không máy chủ, giúp tăng tính bảo mật người dùng.
Ngoài ưu điểm không cần máy chủ, kết nối ngang hàng còn giúp phân cấp nội dung trực tuyến, thay vì kết nối đến một server lưu trữ các trang web, mỗi máy tính sẽ lưu trữ một phần nhỏ dữ liệu. Điều này đã được phần mềm download bittorrent cùng một số trình duyệt web áp dụng. Nếu được triển khai ở quy mô toàn cầu, về mặt lý thuyết, chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn nhu cầu máy chủ tập trung.
Tiềm năng kết nối ngang hàng rất hấp dẫn nhưng đến nay nhiều người vẫn chỉ biết đến blockchain là nguồn cung năng lượng cho tiền điện tử và NFT. Nhiều người còn coi tiền ảo là sự lãng phí của công nghệ, phá hủy môi trường nhưng thực tế nó đang giúp ích cho nhiều đối tượng.
NFT cho phép chúng ta mua bán hàng hóa kỹ thuật số một cách nhanh chóng, an toàn như bán bản sao kỹ thuật số của một trò chơi PC mua trên Steam. Đối với nghệ sĩ, họ không cần nhờ cậy đến nền tảng tập trung như Spotify để bán tác phẩm. Lợi ích khác của NFT là tính bảo mật, ẩn danh cao khi đăng nhập đồng thời đẩy nhanh quá trình tuyển dụng cho người xin việc.
Một dự án Web 3.0 đầy tham vọng gần đây nhất là metaverse. Siêu mô hình được hình dung như một không gian ảo, nơi người dùng có thể tương tác với nhau cũng như với nội dung trực tuyến trong thời gian thực, thường là qua môi trường VR hoặc AR.
Liệu Web 3.0 có bị thổi phồng quá đà?
Cũng dễ hiểu khi phiên bản tối ưu nhất của Internet bị cho là thổi phồng quá đà. Mục tiêu về một mạng lưới phi tập trung không máy chủ, tôn trọng quyền bảo mật người dùng thì chưa thấy đâu mà chỉ thấy cỗ máy năng lượng khổng lồ cho tiền điện tử, NFT và metaverse. Được biết, các giao dịch tiền ảo này cực kỳ tốn kém vì đòi hỏi một lượng năng lượng lớn để xử lý, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Cơn sốt NFT/tiền điện tử cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu chip cho ngành công nghiệp phần cứng. Những ông lớn công nghệ như Google và Apple còn trừng phạt các app đào tiền ảo, thậm chí nhiều cơ quan, tổ chức chính phủ ở khắp nơi đều đổ dồn sự nghi ngờ đến ngành công nghiệp này. Phản ứng tiêu cực đến nỗi nhiều công ty phải tạm dừng sử dụng NFT cùng các công nghệ liên quan.
Tuy nhiên, tương lai của Web 3.0 vẫn chưa hoàn toàn hết hy vọng. Rất có thể tại một thời điểm nào đó, blockchain, NFT, tiền điện tử và thậm chí cả metaverse sẽ từ từ xâm nhập vào các trình duyệt, ứng dụng và thiết bị mà chúng ta sử dụng hàng ngày.
Khi điều đó xảy ra, người dùng chắc chắn có quyền tự do, ẩn danh và quyền tự quyết trong cuộc sống trực tuyến mà họ luôn ao ước. Nền móng của Web 3.0 vẫn đang được xây, hãy chờ xem nó sẽ làm được gì.
Theo Hoàng Giáp (VnReview.vn)