Trước đó, ngày 3/11, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã kiểm tra các ứng dụng vượt quá phạm vi ứng dụng, thường xuyên bị yêu cầu cấp quyền, có những dịch vụ/tình huống thu thập thông tin cá nhân của người dùng trong trường hợp không cần thiết, đánh lừa để người dùng và có những hành động vi phạm quy định khác.
Đồng thời, cơ quan này cũng đã tiến hành việc thông báo công khai đối với những ứng dụng không hoàn thành việc chỉnh đốn theo yêu cầu. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, vẫn còn 5 ứng dụng (trong đó có Douban) chưa hoàn thành việc chỉnh đốn cải cách theo yêu cầu của bộ.
Vì vậy, ngày 9/12, căn cứ vào "Luật bảo vệ thông tin cá nhân", "Luật an ninh mạng" và các điều luật khác có liên quan, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin ra văn bản thông báo sẽ tiến hành gỡ bỏ tổng số 106 ứng dụng, bao gồm cả mạng xã hội Douban khỏi các cửa hàng ứng dụng ngay sau khi thông báo được công bố, thậm chí sẽ áp dụng hình phạt với các công ty quản lý ứng dụng nếu không kịp thời chỉnh đốn.
Việc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thông báo xoá bỏ ứng dụng karaoke nổi tiếng Changba, nền tảng giao dịch điện tử đã qua sử dụng của ATRenew do ATRenew niêm yết tại New York và mạng xã hội Douban đã nhanh chóng trở thành chủ đề được quan tâm nhất trên Weibo – mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.
Động thái này của các cơ quan quản lý sẽ khiến người dân không thể tải các ứng dụng này từ các cửa hàng ứng dụng, tuy nhiên, với những người đã tải ứng dụng, họ vẫn có thể sử dụng bình thường.
Được thành lập năm 2005, Douban là mạng xã hội phổ biến nhất với những phụ nữ trẻ có học thức từ các đô thị lớn của đất nước và được biết đến với những bài phê bình sách, phim có tính phân tích và tầm ảnh hưởng.
Trong năm nay, Douban đã hứng chịu một loạt các đòn tấn công từ các cơ quan quản lý, bắt đầu với 9 triệu NDT (1,42 triệu USD) tiền phạt được áp dụng từ tháng 1 đến tháng 11 vì lý do cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Tuần trước, công ty đã bị Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc phạt 1,5 triệu NDT vì “công bố thông tin bất hợp pháp”.
Trước đó, Douban đã đình chỉ các chức năng cho phép người dùng bình luận hoặc trả lời các bài đăng trong bối cảnh các nhà chức trách nước này cố gắng bình ổn thứ mà họ cho là “văn hóa hâm mộ người nổi tiếng hỗn loạn”.
Được đánh giá là mạng xã hội thảo luận văn hoá của đất nước, không có gì lạ khi Douban bị các nhà chức trách “gõ đầu” vì không kiểm soát kỹ các nội dung trên nền tảng của mình.
Theo Nikkei Asia, Douban không có đủ nhân lực để kiểm duyệt nền tảng và cũng không muốn áp đặt kiểm duyệt nghiêm ngặt. Hậu quả của việc không tiến hành kiểm duyệt chặt chẽ là những khoản tiền phạt rất lớn do “sách, phim và âm nhạc rất nguy hiểm ở đất nước này vì chúng có tác động lớn đến hệ tư tưởng”.
Hiện tại, Douban có khoảng 200 nhân viên và huy động được 59 triệu USD từ các nhà đầu tư từ năm 2006 đến năm 2011. Những người rót tiền cho công ty này bao gồm chi nhánh Sequoia Capital của Trung Quốc và một quỹ do tập đoàn truyền thông Đức Bertelsmann điều hành.
Công ty vẫn chưa đưa ra bình luận về màn “cấm cửa” của chính phủ.
Nguồn: Nikkei Asia
Theo Quỳnh Anh (Vietnamfinance.vn)