Một cựu nhân viên tuyển dụng của TikTok chia sẻ rằng giờ làm việc của cô là từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối. Dù vậy, cô thường xuyên phải làm việc gấp đôi thời gian.
Điều này là bởi các nhân sự cao cấp của ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, thường xuyên tham gia sâu vào vấn đề ra quyết định.
Nó cũng đồng nghĩa với việc các nhân viên TikTok ở Mỹ phải làm việc cả ngày (theo cả giờ làm việc tại Trung Quốc) để có thể phản hồi các vấn đề nhân sự cấp cao ByteDance nêu ra, theo CNBC.
Cựu nhân viên tuyển dụng này, cùng bốn cựu nhân sự khác, nói với CNBC rằng họ quan ngại về việc ByteDance có thể tiếp cận được dữ liệu của người dùng Mỹ và tham gia quá tích cực vào hoạt động đưa ra quyết định và phát triển sản phẩm của TikTok.
TikTok ra mắt trên toàn thế giới vào tháng 9/2017. Công ty mẹ của nó, ByteDance, đã thâu tóm Musical.ly, một mạng xã hội video khá phổ biến tại Mỹ, với giá 1 tỷ USD vào tháng 11/2017.
Hai ứng dụng này chính thức sáp nhập thành một vào tháng 8/2018. Chỉ trong vài năm, TikTok nhanh chóng có được gần 92 triệu người dùng ở Mỹ.
Năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố lệnh cấm TikTok hoạt động ở Mỹ hoặc buộc phải sáp nhập với một công ty Mỹ với những quan ngại liên quan đến bảo mật và riêng tư người dùng.
Về phần mình, TikTok nhiều lần phủ nhận những quan ngại nói trên. “Chúng tôi chưa từng chia sẻ dữ liệu với chính phru Trung Quốc và cũng sẽ không làm điều này khi được yêu cầu”, người đại diện TikTok nói với CNBC.
Đầu tháng 6, TikTok “thở phào” nhẹ nhõm khi Tổng thống Joe Biden ký một lệnh hành pháp thu hồi lệnh cấm ứng dụng của ông Trump.
Dù vậy, lệnh hành pháp của ông Joe Biden chưa ra một loạt tiêu chí để chính phủ đánh giá rủi ro của các ứng dụng liên quan đến các quốc gia bên ngoài.
Theo Tâm Nguyễn (Saostar.vn)