Ba tổ chức phi lợi nhuận SD Association, Wi-Fi Alliance, Bluetooth Special Interest Group đã đồng loạt thực hiện việc nối lại tư cách thành viên đối với Huawei.
Tập đoàn viễn thông công nghệ Trung Quốc Huawei đã được nối lại tư cách thành viên tại các tổ chức phi chính phủ trên mà không có thêm bất cứ giải thích nào.
Đại diện Huawei chỉ nói rằng, các sản phẩm hiện tại của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Mỹ và vẫn sẽ hỗ trợ Wi-Fi, Bluetooth và thẻ SD an toàn.
Trước đó, ngày 24/5, Huawei bất ngờ biến mất trên website SD Association, dấy lên những lo ngại về việc smartphone của công ty điện tử Trung Quốc trong tương lai sẽ không còn được sử dụng các định dạng thẻ nhớ của SD Association, phổ biến nhất là microSD.
Huawei tuyên bố đã có giải pháp thay thế với chuẩn riêng NM Card, có kích thước nhỏ hơn microSD và bằng nanosim.
Cái "bắt tay làm lành" từ các hiệp hôi trên chỉ phần nào làm hạ nhiệt các sức ép đối với Huawei trong thời điểm này. Điều này không có nghĩa là những rắc rối đã qua đối với gã khổng lồ công nghệ viễn thông Trung Quốc.
Việc xử lý các vấn đề bị ảnh hưởng bởi hợp đồng bị hủy bỏ của Google, Intel, Qualcomm, ARM... cũng sẽ là một vấn đề nan giải của Huawei.
Đặc biệt là việc thu hồi giấy phép hệ điều hành Android gần đây của Google vẫn có nghĩa là các thiết bị của họ sẽ không có các bản cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng quan trọng.
Mới nhất, Microsoft đã tạm ngưng nhận đơn đặt hàng mới từ Huawei. Hai lĩnh vực cả hai đang hợp tác gồm hệ điều hành Windows và các dịch vụ nội dung đều bị phía hãng phần mềm đình chỉ để tuân thủ lệnh cấm từ chính phủ Mỹ.
Những sản phẩm chạy Windows hiện tại của Huawei không bị ảnh hưởng, vẫn nhận được các bản cập nhật đầy đủ. Tuy vậy, các sản phẩm trong tương lai sẽ không còn cài sẵn hệ điều hành của Microsoft.
Bên cạnh đó, nhóm phụ trách mảng dịch vụ của Microsoft tại Trung Quốc đã rời khỏi văn phòng đại diện có trụ sở tại Thâm Quyến mà không rõ lý do.
Tuy nhiên, động thái trên không có nghĩa là Microsoft sẽ "nghỉ chơi" với Huawei. Nguồn tin tiết lộ, việc đình chỉ kinh doanh chỉ là tạm thời và có thể sẽ được nối lại trong tương lai, tùy theo diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Huawei đang nằm trong tâm bão của thị trường thiết bị điện tử toàn cầu do chịu các lệnh cấm từ Mỹ.
Bên cạnh việc phải hứng chịu sự từ chối của các đối tác cung cấp các thiết bị kỹ thuật phần cứng và ứng dụng phần mềm, Huawei còn nghi ngờ bị nhà phân phối "chơi chiêu trò".
Hãng vận tải FedEx mới đây đã lên tiếng xin lỗi Huawei vì các đơn hàng của Tâp đoàn này bị chuyển hướng sang Mỹ chứ không phải đến điểm đích là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
Những sự cố trên buộc Huawei phải xem xét lại các yêu cầu hỗ trợ chuyển phát tài liệu và hậu cần.
"Chúng tôi đánh giá cao tất cả khách hàng của mình, những người đã trao hơn 15 triệu hàng hóa mỗi ngày để chúng tôi vận chuyển", FedEx viết trong một tuyên bố đăng trên Weibo, trang được ví như Twitter của Trung Quốc.
Công ty Mỹ cho biết họ xin lỗi vì việc chuyển nhầm đồng thời khẳng định không có tác động bên ngoài nào ảnh hưởng tới các đơn chuyển phát của Huawei.
Theo Hải Lâm (Đất Việt)